Ông Nguyễn Văn Tư (73 tuổi, ở ấp Phước Tỉnh) là hộ cận nghèo tại xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Mới đây, ông được UBND xã tạo điều kiện tham gia dự án 2 đa dạng hoá mô hình sinh kế từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững. Ông Tư rất háo hức, hi vọng có điều kiện cải thiện cuộc sống, thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Vợ chồng ông Tư có 4 người con, trong đó có 1 người mắc hội chứng Down, vợ ông cũng mang trọng bệnh. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, gia đình ông Tư được trao tặng 1 con bò giống để chăn nuôi, đến nay đã sinh sản được 1 bò con. Ngoài ra, vợ ông cũng được hỗ trợ làm thủ tục giám định khuyết tật 65%, nhận khoản trợ cấp bảo trợ xã hội 720 ngàn đồng/tháng. 

Nếu đầu năm 2021, toàn xã Long Hiệp còn 54 hộ nghèo và 25 hộ cận nghèo thì đến nay, xã không còn hộ nghèo, chỉ còn 20 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,5% cùng 28 hộ thoát nghèo trong thời gian 36 tháng. Phấn đấu đến cuối năm 2024, xã có ít nhất 2 hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát cận nghèo bền vững.

Long Hiệp đã và đang nỗ lực giảm nghèo bền vững, nhất là thực hiện dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trong Chương trình MTQG, đồng thời triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo của chương trình như hỗ trợ BHYT cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ về giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi; đào tạo nghề cho lao động nông thôn (trồng rau, nấu ăn, làm rau câu 3D,...).

Qua khảo sát, đa số các hộ nghèo, mới thoát nghèo không có khả năng lao động (già yếu, bệnh tật) hoặc không có đất sản xuất, kinh doanh. UBND xã chỉ đạo phân loại từng nhóm đối tượng nghèo để hướng dẫn thực hiện dự án 2, hỗ trợ vốn để buôn bán nhỏ, lẻ, chăn nuôi. Năm 2024, xã quyết tâm giải ngân cho các hộ trên trong thời gian 36 tháng. Mỗi hộ được hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng, sau thời gian thực hiện dự án 2, các hộ sẽ hoàn vốn là 5% trên tổng số vốn được hỗ trợ.

Tại huyện Bến Lức, bò, gà là vật nuôi quen thuộc của các hộ dân. Do đó, mới đây, khi xây dựng mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện lựa chọn hai vật nuôi này, phù hợp với điều kiện của hộ có hoàn cảnh khó khăn để phát triển sản xuất. Khi tham gia dự án, hộ dân có thể lồng ghép với các nguồn vốn khác để tăng thêm nguồn lực khi thực hiện.

Đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo huyện Bến Lức giảm còn 0,37% hộ nghèo (200 hộ), hộ cận nghèo còn 0,83% (445 hộ). Trong 5 năm (2019-2023), toàn huyện giảm 753 hộ nghèo, 407 hộ cận nghèo. Đến nay, toàn huyện có 4 xã không còn hộ nghèo: Thanh Phú, Thạnh Đức, Mỹ Yên, Long Hiệp.

Theo kết quả rà soát sơ bộ cuối năm 2024, huyện Bến Lức còn 140 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,26% tổng số hộ toàn huyện và 385 hộ cận nghèo (0,72%).

Trên toàn huyện Bến Lức, tiểu dự án 2 của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 xây dựng mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ được triển khai tại 6 xã: Tân Bửu, Nhựt Chánh, Long Hiệp, Thạnh Đức, Mỹ Yên, An Thạnh. Tổng kinh phí thực hiện hơn 2,3 tỉ đồng.

W-nong-nghiep-nha-kinh-ng-hue-1.jpg
Nhiều địa phương, trong đó có huyện Bến Lức, đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn (trồng rau, nấu ăn, làm rau câu 3D,...).

Theo đó, huyện sẽ hỗ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình bền vững về hỗ trợ nuôi bò sinh sản và gà thịt cho có 60 hộ nghèo, cận nghèo thuộc 6 xã trên. Cụ thể, 57 hộ tại các xã: Tân Bửu, Nhựt Chánh, Long Hiệp, Thạnh Đức, Mỹ Yên sẽ được cung cấp bò giống lai Sind; 3 hộ dân tại xã An Thạnh sẽ được cung cấp gà nòi thịt và thức ăn cho gà.

Ngoài hỗ trợ con giống, thức ăn, các hộ cũng được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi, chăm sóc bò sinh sản và nuôi gà thịt; tập huấn kỹ thuật sản xuất, chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ nhằm chăn nuôi hiệu quả, phát triển chuỗi sản xuất bền lâu.

Dự án xây dựng mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo nhằm tạo thêm việc làm cho người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận công cụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình để giảm nghèo bền vững, làm cơ sở cho việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trong thời gian tới.