Tại hội nghị Tỉnh ủy Bến Tre lần thứ 13, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong 6 tháng qua, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết trong 6 tháng còn lại. Theo đó:
Về xây dựng Đảng, các huyện báo cáo chi tiết về những kết quả đạt được trong công tác phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh toàn diện, về duy trì nề nếp, kỷ cương, kỷ luật trong đảng,…
Về phát triển kinh tế, các huyện thông tin về các hoạt động hỗ trợ người dân phát triển kinh tế trên tất cả các lĩnh vực: nông nghiệp, du lịch, sản xuất công nghiệp, kinh tế tập thể,…
Về công tác xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương cho biết đang phấn đấu quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, phấn đấu tăng số lượng xã NTM, xã NTM nâng cao trong năm nay để tiến tới hoàn thành việc xây dựng huyện NTM đúng tiến độ đề ra (trước năm 2025). Riêng huyện Chợ Lách đang nỗ lực phấn đấu quyết liệt để nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM nâng cao và hoàn thành các tiêu chí huyện NTM nâng cao trong năm nay.
Năm 2023 chỉ tiêu xuất khẩu là 1,7 tỷ USD, tính đến nay, đã xuất khẩu đạt 693 triệu USD, đạt khoảng 42% so với kế hoạch, các mặt hàng xuất khẩu giảm như dừa, thủy sản, may mặc,…tình hình xuất khẩu đang gặp khó khăn do khó khăn trên thị trường thế giới nói chung. Tuy nhiên, xuất khẩu dừa xiêm có dấu hiệu khởi sắc nhờ sức tiêu thụ dừa xiêm tăng.
Tới đâu, Sở Công thương sẽ phối hợp các sở ngành liên quan, rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động này thời gian qua tỉnh thực hiện rất tốt không chỉ xúc tiến qua các nước khu vực mà còn qua các thị trường Châu Âu, Trung Đông.
Thời gian tới, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong quá trình tiếp cận các thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc, đây là thị trường sẽ tiêu thụ số lượng dừa rất lớn. Song về lâu dài, tỉnh cần có giải pháp để liên kết vùng. Để có nguồn hàng xuất khẩu trong thời gian tới cần phải có giải pháp thúc đẩy gia tăng sản lượng hàng hóa.
Trên cơ sở các kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đã đề xuất một số giải pháp để hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã NTM, xã NTM nâng cao như: sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, ngành tăng cường tập huấn năng lực cho các cán bộ làm công tác xây dựng NTM, nhất là cán bộ ấp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Về kết quả Nghị quyết 07 về triển khai xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung các sản phẩm chủ lực gắn với chuỗi giá trị, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 67 tổ hợp tác, 71 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị, tham gia vào những vùng sản xuất tập trung. Trong đó, chuỗi cây dừa có 32 tổ hợp tác và 30 hợp tác xã với diện tích tham gia khoảng 20.000ha, chiếm hơn 25% diện tích vườn dừa, dừa hữu cơ khoảng 17.800ha.
Chuỗi bưởi da xanh đã xây dựng được 7 tổ hợp tác và 15 hợp tác xã, có 22 liên kết với doanh nghiệp, cấp 31 mã với 16 vùng trồng bưởi da xanh. Chuỗi chôm chôm có 22 tổ hợp tác, 3 hợp tác xã tham gia chuỗi với diện tích gần 400 ha. Riêng chuỗi sầu riêng đã xây dựng được vùng sản xuất tập trung với diện tích khoảng 208 ha trong đó có 2 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã, đã nâng cấp được 4 mã vùng trồng,…
Các chuỗi cây giống, hoa kiểng, heo, bò, nhìn chung cơ bản đã hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để mời gọi các doanh nghiệp cùng liên kết, xây dựng các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung. Đối với chuỗi tôm hiện đang tập trung tại 3 huyện biển với 11 vùng nuôi tập trung, diện tích gần 3.000 ha liên kết với các doanh nghiệp.
Sau 03 năm triển khai thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm", đến nay, toàn tỉnh có 217 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 127 sản phẩm 3 sao, 86 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm có tiềm năng 5 sao và 4 sản phẩm 5 sao đã được chứng nhận.
Để nâng cao giá trị cũng như thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh trên thị trường, ông Buội cho biết, thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với Sở Công thương, các địa phương đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh thông qua các cuộc trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, sự kiện, trên các sàn thương mại điện tử... Tăng cường phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận, đặc biệt kiên quyết thu hồi các sản phẩm đạt chứng nhận nhưng không đạt cam kết chất lượng cũng như đảm bảo an toàn.
Về công tác giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo không có khả năng lao động thoát nghèo của tỉnh chiếm 1,43% trong tổng số 3,5% tỷ lệ hộ nghèo, một số người nghèo chưa tự tham gia vào các mô hình kinh tế thoát nghèo, chưa chịu khó học nghề nên thu nhập rất thấp, một số người nghèo cố gắng làm ăn thoát nghèo nhưng lại chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường nông sản,….
Về giải pháp, Sở Lao động, Thương binh và xã hội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân tích cực thoát nghèo. Phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ người nghèo, hướng dẫn, động viên, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo có kiến thức mới, có kinh nghiệm trong lao động sản xuất chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước, xã hội.
V.v...V.v....
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết, tỉnh sẽ triển khai kêu gọi đầu tư xã hội hóa để đầu tư các dự án xử lý nước, xây dựng Khu hành chính của thành phố. Đối với huyện Ba Tri, cần lưu ý nhu cầu mở rộng đầu tư lâu dài của Tập đoàn Darco trên địa bàn huyện Ba Tri. Đồng thời huyện cũng cần lưu ý dự án Lạc Địa. Đối với khu vực xử lý rác Ba Tri, đề nghị các huyện khác (Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú,…) cũng cần chia sẻ với huyện Ba Tri. Tỉnh đang khẩn trương mời gọi các nhà đầu tư tái cơ cấu Nhà máy xử lý rác của tỉnh. Hiện đã có một nhà đầu tư (Công ty Amaccao) sẵn sàng đầu tư mô hình xử lý rác thân thiện môi trường, có thể hoàn thành vào năm 2025.
Về xây dựng NTM, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tỉnh đã hạ mức đánh giá các tiêu chí xuống bằng hoặc cao hơn chút ít so với chỉ tiêu chung của quốc gia. Về xây dựng Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý phải thực hiện cho được 3 việc: Giao thông vào làng phải đầu tư sớm; thứ hai phải giải quyết rốt ráo việc thu hồi đất; thứ ba là phải có quy hoạch phân khu để kêu gọi đầu tư. Huyện Chợ Lách là chủ công, các sở ngành (Văn hóa, Thể thao và Du lịch; NN&PTNT) hỗ trợ huyện thực hiện.
Cửu Long