Tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất nông sản sạch
Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 100 tổ hợp tác, 58 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực với nhiều kết quả khả quan.
Cụ thể, chuỗi dừa đã kết nối 12.036ha, đạt 16,5% tổng diện tích dừa toàn tỉnh; chuỗi bưởi da xanh đã thực hiện liên kết với diện tích ước khoảng 330ha; các chuỗi con heo, con bò và tôm biển cũng đạt kết quả nhất định, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp tham gia.
Việc liên kết sản xuất đã giúp người nông dân thuận lợi trong sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và hữu cơ. Toàn tỉnh hiện có trên 15.000ha cây ăn trái, thủy sản và dừa được công nhận GAP và hữu cơ, đã tiếp tục khẳng định chất lượng nông sản của tỉnh trên thị trường. Ngoài ra, tỉnh đã cấp 23 mã vùng trồng cây nhãn, chôm chôm, xoài và bưởi da xanh và 31 mã cơ sở đóng gói; có 2/8 sản phẩm chủ lực được xây dựng chỉ dẫn địa lý, triển khai xây dựng 6 nhãn hiệu tập thể, 4 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Hiện tại, Bến Tre là một trong những tỉnh có diện tích canh tác hữu cơ khá lớn với hơn 14.000 ha chủ yếu là dừa, lúa, rau màu,... Riêng các sản phẩm chế biến từ dừa được xuất khẩu sang thị trường: Mỹ, Nhật, Châu Âu,... với hơn 10 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, chế biến.
Bên cạnh đó, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa hữu cơ có diện tích 15.337,1 ha: trong đó, diện tích đạt chứng nhận là 13.743,6 ha (chiếm 17,8% so tổng diện tích dừa toàn tỉnh: 77.232 ha), đang chuyển đổi 1.593,5 ha.
Diện tích bưởi da xanh 9.442 ha, trong đó 388,5 ha bưởi đạt chứng nhận VietGAP chiếm 4,1% diện tích trồng bưởi da xanh toàn tỉnh và 10 ha đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS tại huyện Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm.
Diện tích cây rau màu toàn tỉnh khoảng 4.020 ha, trong đó được chứng nhận VietGAP đạt 13,8 ha chiếm 0,34% so với toàn tỉnh và được chứng nhận hữu cơ khoảng 1,3 ha theo tiêu chuẩn PGS ở các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam.
Bến Tre đã xây dựng được 30 trang trại chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAHP. Lĩnh vực thủy sản tỉnh có trên 40 cơ sở sản xuất theo hướng trang trại, 19 tổ hợp tác, 10 hợp tác xã nuôi thủy sản, 04 cơ sở sản xuất giống cá tra chất lượng cao, trong đó: có 09 cơ sở được chứng nhận Global GAP, 06 cơ sở được chứng nhận ASC, 01 cơ sở được chứng nhận BAP và 11 cơ sở được chứng nhận VietGAP.
Từ những thành công này, tỉnh tiếp tục khuyến khích, kêu gọi đầu tư, thu hút các doanh nghiệp liên kết với người dân, hợp tác xã tiêu thụ nông sản, thủy sản. Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, chế biến tập trung, mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 30%.
Tiếp tục mở rộng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã tập trung tạo bứt phá, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, có truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông nghiệp, theo mục tiêu xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, chuyển đổi mạnh theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa.
Tỉnh đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 11 - 13 % tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1 - 2% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản, tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn hữu cơ 0,2 - 0,5% tổng sản phẩm chăn nuôi bò, diện tích dừa sản xuất hữu cơ 20.000 ha, bưởi da xanh 50 ha, lúa 50 ha, rau màu 5 ha, nuôi tôm rừng 1.000 ha, nuôi tôm lúa đạt tiêu chuẩn ASC 2.000 ha.
Đến năm 2030, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 16 - 18%, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 2 - 4%, tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn hữu cơ 0,5 - 1% tổng sản phẩm chăn nuôi bò, diện tích dừa sản xuất hữu cơ 30.000 ha, bưởi da xanh 200 ha, lúa 200 ha, rau màu 10 ha, nuôi tôm rừng 4.000 ha, nuôi tôm lúa đạt tiêu chuẩn ASC 6.000 ha.
Ưu tiên các vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi, chọn lựa giống cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với thổ nhưỡng, chống chịu dịch bệnh và có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định để hình thành vùng sản xuất hữu cơ tập trung với các loại sản phẩm chủ lực của tỉnh, các sản phẩm đặc trưng có tiềm năng gắn xây dụng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ.
Khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất tập trung tạo ra hàng hóa quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực; Đấy mạnh phong trào xây dựng vườn cây hữu cơ gắn với tận dụng nguồn rác thải hữu cơ, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp ở các địa phương và xã nông thôn mới.
Xây dựng, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng ứng dụng công nghệ cao; Nghiên cứu, ứng dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh hại, phân hữu cơ sinh học vào sản xuất, thay thế kháng sinh trong chăn nuôi, các chế phẩm sinh học xử lý môi trường, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất; Khai thác, phát triển và xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh và giá trị kinh tế cao; Nghiên cứu, đánh giá thực trạng độ phì nhiêu đất, nhu cầu dinh dưỡng cho các loại cây trồng chủ lực phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững; Khảo nghiệm, chọn lọc các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, thích nghi với biến đổi khí hậu, phù hợp với sản xuất hữu cơ.
Nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân và đội ngũ cán bộ kỹ thuật về nông nghiệp hữu cơ cho tỉnh: cơ chế chính sách, kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn quy chuẩn, nhãn hiệu, thương hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc và phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Cửu Long