Một buổi sáng chủ nhật tháng 3/2019, hàng chục chiếc xe hơi đỗ dọc theo một bức tường cao 2 m. Đó là bức tường bao quanh khu nhà của Mark Zuckerberg tại đảo Kauai, một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Hawaii với khoảng 70.000 dân. Cổng của tòa nhà thường ngày đóng kín hôm nay đã mở ra.
Cổng khu đất của Mark Zuckerberg cùng bức tường cao 2 m bao quanh khu đất. Ảnh: Gizmodo |
“Tài sản riêng tư, cảm ơn đã không xâm phạm”, một tấm bảng được đặt trên cửa tòa nhà. Bức tường, được xây từ đá núi lửa, là thứ khiến cho nhiều người dân sống tại hòn đảo này nổi giận. Bức tường kéo dài cả dặm từ bờ biển, khiến cho nhiều người không thể nhìn thấy bãi biển khi đi trên đường.
Vợ chồng CEO Facebook mua lại khu đất với diện tích 283 ha vào năm 2014 với giá 100 triệu USD. Năm 2018, họ mua thêm một khu đất nữa với giá 45,3 triệu USD, nâng tổng diện tích đất sở hữu lên trên 300 ha.
Tuy nhiên Mark Zuckerberg không sở hữu hoàn toàn một vùng đất rộng lớn. Trong khu đất của ông, vẫn còn những khoảnh đất nhỏ thuộc về người khác, những gia đình đã sống ở đây nhiều thế hệ và thừa kế mảnh đất từ cha ông. Cuộc chiến để lấy được quyền sở hữu những khoảnh đất này không hề đơn giản.
'Công ty ma' của Mark Zuckerberg
Tháng 12/2016, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về văn hóa Hawaii có tên Carlos Andrade gửi thư cho hàng chục người trong họ của ông, cho biết họ sắp bị đưa ra tòa.
Đây là những người sở hữu hàng trăm mảnh đất nhỏ thừa kế từ người tổ tiên có tên Manuel Rapozo. Một công ty có tên Nothshore Kalo LLC muốn trả tiền để Andrade có thể thanh toán án phí, cũng như đền bù tiền đất cho những người họ hàng.
Mark Zuckerberg sở hữu một khu đất có diện tích hơn 300 ha, với đường bờ biển dài hàng km tại đảo Kauai, Hawaii. Ảnh: Guardian |
Phải đến 1 tháng sau, tờ báo địa phương mới lật tẩy rằng Nothshore Kalo LLC không phải là một công ty chế biến khoai lang tím (‘Kalo’ nghĩa là khoai lang tím trong tiếng Hawaii). Đây là một công ty ma, đứng đằng sau là Mark Zuckerberg. Cũng trong thời điểm đó, CEO Facebook đang tìm cách sở hữu lại 8 khoảnh đất nhỏ nằm rải rác và bị bao quanh bởi những khu đất mà ông đã sở hữu.
Những người bị kiện có 2 lựa chọn: bán những khoảnh đất của mình, hoặc tìm cách chiến thắng đấu giá công trước một vị tỷ phú. Nếu họ thua kiện, họ còn phải trả tiền án phí cho Zuckerberg.
Phát hiện của tờ báo địa phương đem lại phản ứng gay gắt với CEO Facebook. Cuối cùng ông Zuckerberg phải từ bỏ vụ kiện vào tháng 1/2017. Giáo sư Carlos Andrade là người duy nhất còn theo đuổi vụ kiện này. Sau 2 năm, tòa án đã ra quyết định các khoảnh đất còn lại sẽ được bán đấu giá công khai vào ngày 22/3.
Những người đến thăm khu đất của Mark Zuckerberg vào đầu tháng 3/2019 bao gồm những cư dân ở Kauai, luật sư, nhà báo và cả nhân viên của Zuckerberg.
Về lý thuyết, họ đều là những người có thể tham gia đấu giá để mua lại các khoảnh đất. Tuy nhiên phần lớn những người này tới đây để tận dụng dịp hiếm hoi được vào trong khu nhà của một trong những người giàu nhất thế giới.
“Tôi chỉ tò mò muốn biết bên trong như thế nào, và tôi cũng muốn biết ông ấy đang làm gì bên trong, vì tôi nghe rất nhiều tin đồn”, Steph Klockenbrink, người sở hữu một trang trại trên cùng mặt đường với cơ ngơi của Zuckerberg chia sẻ với Gizmodo.
“Hầu như khu đất này luôn khóa, nên có cơ hội để vào xem bên trong là hay rồi”, Matthew James, một kiến trúc sư cảnh quan nói.
Khu đất quá rộng, những mảnh đất tranh chấp cách nhau nhiều phút lái xe. Ảnh: Gizmodo |
Tất nhiên, cũng có những người dân địa phương tới đây để thăm dò. Kaiulani Mahuka, một phát thanh viên ở đài địa phương cho biết cô tới đây vì quan niệm bán đất này “là một tội ác”.
“Những mảnh đất đó đã thuộc về người dân vĩnh viễn. Kuleana, bạn không sở hữu chúng, mà gia đình bạn thuộc về chúng”.
Kuleana là một giá trị của người Hawaii về trách nhiệm và mối quan hệ của một người với mảnh đất mà anh ta chăm sóc, quản lý. Ngược lại, theo quan niệm của người Hawaii, mảnh đất cũng có trách nhiệm đối với người chăm sóc nó. Vào thập niên 1850, Vương quốc Hawaii đã ban những mảnh đất gọi là đất Kuleana cho những người tới đây sinh sống. Những mảnh đất này sẽ được truyền lại mãi mãi tới muôn đời sau.
Ngày nay, những mảnh đất Kuleana thường được chia nhỏ tới hàng chục mảnh dành cho các gia đình con cháu của người sở hữu. Một chủ sở hữu đất, dù mảnh đất có lớn hay nhỏ, được phép chấm dứt mối quan hệ với những chủ sở hữu khác và xử lý tranh chấp bằng đất.
Tranh chấp này thường sẽ dẫn đến kết quả là những mảnh đất sẽ được bán đấu giá công khai, trừ khi tất cả mọi người đạt được thỏa thuận. Đây là cách mà ông Carlos Andrade đã làm để dẫn tới phiên đấu giá công khai đất vào cuối tháng 3/2019.
Zuckerberg muốn lấy bờ biển làm của riêng?
Mặc dù CEO Mark Zuckerberg đã tuyên bố sẽ bỏ vụ kiện vào tháng 1/2017, nhiều người cho rằng ông vẫn đứng đằng sau giáo sư Andrade. Luật sư của ông cho biết ông “rất sẵn sàng” tham gia phiên đấu giá cuối tháng 3.
“Zuckerberg chắc chắn sẽ là người mua lại cuối cùng, bởi ông ấy muốn những mảnh đất đó”, bà Mahuka nhận xét.
“Đây là lần cuối cùng chúng tôi còn chiến đấu. Chúng tôi chắc chắn sẽ không thể thắng trong phiên đấu giá, và người ta sẽ nói rằng đấy không phải là do Zuckerberg chỉ đạo. Nhưng Carlos Andrade không thể nào có đủ tiền để mua những mảnh đất đó. Thật đáng xấu hổ”, Wayne James Rapozo, một luật sư của gia đình Rapozo chia sẻ.
Trị giá của 4 mảnh đất sắp được đấu giá từ 229.000-459.000 USD.
Một trong nhiều bãi biển bên trong khu đất của CEO Facebook. Ảnh: Gizmodo |
Những mảnh đất này đều nằm bên trong khu đất mà Mark Zuckerberg đang sở hữu. Khu đất của ông chạy dài theo bờ biển hơn 3 km. Felicia Cowden, một người dân địa phương cho biết bà sống ở cách khu đất chỉ vài km, và trước năm 2014 bà có thể đi xuống biển thoải mái. Giờ đây khu đất của Mark Zuckerberg đã bị rào lại và không ai có thể đi xuống bãi biển.
Ở Hawaii, mọi người dân đều có quyền vào các bãi biển. Tuy nhiên để có thể đi vào bãi biển trong vùng đất mà Mark Zuckerberg sở hữu thì không dễ dàng chút nào.
Phóng viên Michelle Broder Van Dyke của Gizmodo đã thử đi từ rìa khu đất để xuống biển, nhưng rồi đến nửa đường lại bắt gặp tấm bảng “tài sản riêng tư” giống như ở ngoài cổng. Cô chia sẻ mình không thể biết được phải đi như thế nào để tới biển mà không xâm phạm vào tài sản của Zuckerberg.
Cô Shannon Buckner, một trong những người được thừa kế mảnh đất tranh chấp nhìn vào bên trong qua cánh cổng. Ảnh: Guardian |
Tháng 11/2018, phóng viên Julia Carrie Wong của Guardian bắt gặp Shannon Buckner, một người có tên trong danh sách thừa kế những mảnh đất bên ngoài khu đất của Mark Zuckerberg. Cô lớn lên ở một hòn đảo khác, và chỉ biết mình có quyền sở hữu đất khi bị ông Carlos Andrade kiện vào năm 2016.
“Đây là mảnh đất của những người tổ tiên mà tôi chưa từng biết đến, nhưng tôi không muốn nó biến mất. Tôi muốn những đứa con của mình có thể tận hưởng mảnh đất này. Tôi sẽ chiến đấu đến cùng, dù có thua đi chăng nữa”, Shannon Buckner vừa nhìn qua cánh cổng, vừa kể lại.
Theo Zing
Khi nào mạng xã hội Facebook sẽ sụp đổ?
Những giả thuyết mới về mạng xã hội có thể giúp chúng ta dự báo được tương lai của Facebook, hay trả lời câu hỏi "Khi nào thì Facebook sụp đổ"?