Sự nguy hiểm của bệnh gút

Bệnh gút là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa nhân purin, làm tăng axit uric trong máu. Khi nồng độ axit uric quá cao sẽ gây hậu quả lắng đọng các tinh thể urat tại các mô của cơ thể (xương, khớp, mô mềm cạnh khớp, thận, đường tiết niệu…). 

Tùy theo vị trí lắng đọng tinh thể urat mà bệnh gút gây ra những biểu hiện như: Viêm sưng đau khớp cấp và mạn tính, các hạt tophi, sỏi thận tiết niệu, bệnh thận mạn do gút, suy thận.

Bệnh gút làm cho người bệnh bị viêm đau khớp kéo dài, căng thẳng mất ngủ, thậm chí tàn phế do tổn thương khớp nặng nề. Tuy nhiên, bệnh gút có thể điều trị bằng thuốc và ngăn ngừa tái phát nếu có chế độ dinh dưỡng khoa học, lối sống lành mạnh.

Bệnh gút gây ra bởi nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do:

- Sinh hoạt thay đổi, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, sử dụng rượu bia và chất kích thích tập trung chủ yếu ở giới trẻ.

- Mắc các bệnh lý về thận như suy thận làm giảm chức năng đào thải của thận khiến lượng axit uric trong cơ thể ngày càng tăng.

- Mắc một số bệnh lý khác như bạch cầu mạn, tan máu bẩm sinh…

- Sử dụng thuốc làm tăng nồng độ axit uric trong máu như: corticoid, aspirin, thuốc lợi tiểu, ức chế tế bào dùng trong điều trị ung thư, điều trị lao…

- Do yếu tố di truyền.

Biểu hiện của bệnh gút

Hầu hết biểu hiện đợt cấp của bệnh thường kéo dài từ 3 -10 ngày. Một số trường hợp không có dấu hiệu ban đầu hoặc có những biển hiện nhẹ:

Xuất hiện những cơn đau khớp dữ dội, khó chịu, nhất là vào ban đêm gây ảnh hưởng tới giấc ngủ.

Tại các khớp có dấu hiệu sưng đỏ, viêm cảm giác nóng quanh khớp, chạm vào rất đau đớn.

Sốt nhẹ, ớn lạnh, ăn kém, sức khỏe kém hơn.

Nếu người bệnh không dùng thuốc hoặc điều trị sai cách sẽ khiến bệnh thành mạn tính và ngày càng nghiêm trọng hơn với các biểu hiện như:

Tạo thành hạt tophi.

Khớp bị tổn thương vĩnh viễn, dính khớp, biến dạng khớp và tàn phế.

Gây sỏi thận, suy thận.

Phương pháp điều trị bệnh gút

Hiện nay, có rất nhiều biện pháp chẩn đoán như xét nghiệm máu để do nồng độ axit uric trong máu; chọc hút dịch khớp tìm tinh thể axit uric; chụp X-quang khớp; siêu âm khớp; chụp CT hoặc cộng hưởng từ khớp.

* Chế độ ăn uống - sinh hoạt:

Tránh các chất có nhiều purin như nội tạng động vật, thịt đỏ, tôm, cua biển… Có thể ăn trứng, hoa quả, ăn thịt không quá 150g/ngày.

Uống nhiều nước khoảng 2- 4 lít mỗi ngày.

Không uống rượu bia hay dùng các chất kích thích, cần thường xuyên luyện tập và kiểm soát cân nặng.

Tránh các thuốc làm tăng axit uric trong máu, tránh cách yếu tố làm khởi phát cơn gút cấp như căng thẳng, chấn thương…

* Điều trị bằng thuốc:

Thuốc kháng viêm: dùng trong giai đoạn cơn gút cấp để giảm viêm.

Thuốc giảm axit uric máu: duy trì để kiểm soát nồng độ axit uric máu, tránh tái phát cơn gút cấp.

* Điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ hạt tophi:

Hạt tophi là triệu chứng đặc trưng của bệnh gút, kết quả của sự lắng đọng axit uric dư thừa xung quanh vị trí các khớp ở bàn chân và bàn tay.

Thường xuyên tầm soát và thăm khám tại bệnh viện uy tín, có chuyên môn cao để được các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành tư vấn và có những phác đồ điều trị ngăn ngừa bệnh một cách tốt nhất.

Bác sĩ chuyên khoa II Lương Đình Hạ (Trưởng khoa Nội Cơ xương khớp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp)