Nhiều biến chứng nguy hiểm
Theo các chuyên gia, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh hô hấp vì hẹp đường thở, khiến bệnh nhân bị khó thở, khó thở khi gắng sức… Thông thường, khi mới bị COPD, người bệnh sẽ có các triệu chứng như ho, khạc đờm nhiều, kèm theo cảm giác khó thở, người mệt mỏi… Những dấu hiệu này thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm họng, viêm phổi nên nhiều người chủ quan, không đi thăm khám để được điều trị sớm.
Phần lớn bệnh nhân COPD chỉ đi khám khi có các biểu hiện nặng như: ho nhiều hơn, khó thở nhiều hơn, đờm đặc và sẫm màu hơn…, nhưng đây thường là lúc COPD đã ở giai đoạn tiến triển, chức năng phổi suy giảm nhiều. Bệnh có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh như: suy hô hấp, suy tim, tràn khí màng phổi...
WHO đã xếp COPD đứng thứ 3 trong số các nguyên nhân gây tử vong và thứ 5 gánh nặng bệnh tật toàn cầu.
Điều trị COPD cách nào?
COPD là bệnh mạn tính và không thể chữa trị dứt điểm. Nhưng với sự phát triển của y học, hiện nay đã có các phương pháp điều trị và phòng ngừa COPD hiệu quả nhằm giảm nhẹ các triệu chứng, thậm chí là đẩy lùi, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, giúp người bệnh có thể chung sống hòa bình cùng COPD. Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh cần ghi nhớ 2 nguyên tắc:
Phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời
Phát hiện sớm và quản lý các triệu chứng của COPD ngay từ đầu sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị và cải thiện sức khỏe của bệnh nhân về sau.
Để xác định xem bản thân có thuộc nhóm đối tượng dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không, bạn có thể tự trả lời 5 câu hỏi tầm soát đơn giản sau.
Tuân thủ chỉ định của bác sĩ
COPD là bệnh mạn tính, người bệnh cần tái khám đều đặn để được bác sĩ theo dõi, đánh giá và điều chỉnh thuốc kịp thời. Theo đó, khi đã được chẩn đoán xác định, người bệnh phải dùng thuốc suốt đời, ngay cả khi không có cảm giác khó thở hay bị ho.
Các thuốc giãn phế quản với tác dụng làm chậm quá trình phát triển của bệnh, giảm nhẹ các triệu chứng, cải thiện khó thở, ngăn ngừa và điều trị các biến chứng… là thuốc điều trị chủ yếu đối với COPD.
Thuốc giãn phế quản hiện có nhiều dạng từ dạng phun, hít, xịt đến dạng uống. Nhưng các thuốc dạng xịt hít được khuyến cáo sử dụng điều trị dài hạn vì cho hiệu quả điều trị cao và ít tác dụng phụ hơn dạng uống. Để sử dụng hiệu quả các dạng thuốc xịt hít này, bệnh nhân và người nhà cần được hướng dẫn kỹ cách sử dụng để đảm bảo thuốc đến được phổi giúp phát huy tác dụng và giảm thiểu lắng đọng ở vùng hầu họng.
Việc điều trị COPD sẽ gặp khó khăn nếu người bệnh tự ý ngưng dùng thuốc, không đi tái khám… làm bệnh nhanh chóng tiến triển sang giai đoạn nặng, gây khó khăn cho việc điều trị tiếp theo.
Theo các chuyên gia y tế, để việc điều trị thêm hiệu quả, bệnh nhân COPD cần kết hợp duy trì các thói quen sinh hoạt lành mạnh để cải thiện sức khỏe như: bỏ hút thuốc, rèn luyện thân thể để chống teo cơ, tập phục hồi chức năng hô hấp, tiêm vaccine ngừa cúm và ngừa viêm phổi, ăn uống đủ chất giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể...
Đối với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bệnh nên ý thức hơn trong việc tầm soát và quản lý bệnh sớm, tránh vì chủ quan mà phải chịu đựng những gánh nặng bệnh tật và biến chứng nguy hiểm sau này.
Ngọc Minh