- Nhiều năm nay, bệnh viện Ung bướu Nghệ An xả trực tiếp ra môi trường nước thải vượt hàng chục lần mức an toàn cho phép.

Tại bãi tập kết rác của bệnh viện, rác thải được thu gom một cách tạm bợ, để ngay ngoài sân gần lối đi, không được bỏ vào thùng đúng qui định. Rác thải y tế như chai, lọ, ống bơm kim tiêm... bông băng dính máu, găng tay y tế được thu gom cùng rác thải sinh hoạt.

{keywords}

Chai lọ, dây kim tiêm dung dịch y tế lẫn lộn trong rác thải sinh hoạt

Người dân sống hai bên kênh Cửa Bắc, xã Hưng Lộc (TP Vinh) cho biết, họ phải chung sống chung với nước thải y tế bệnh viện xả trực tiếp ra kênh nhiều năm qua.

Dòng kênh Cửa Bắc trở nên đen ngòm, có những đoạn ứa đọng đông đặc, bốc mùi nồng nặc.

Theo người dân ở đây, mỗi ngày bệnh viện xả ra 2 đến 3 lần, lúc xả nước tại kênh nổi bọt trắng đục và bốc mùi nồng nặc lan tỏa ra cả khu phố.

Anh Dư Xuân Kế (trú tại xã Hưng Lộc) cho biết, mùa hè mùi nồng nặc, có những bữa không nuốt nổi cơm, phải đóng kín cửa để giảm bớt mùi hôi.

{keywords}

Hệ thống thoát nước xuống cấp, ứ đọng, bốc mùi chạy xung quanh bệnh viện.

Vào mùa mưa, nước trong kênh không thoát được, chảy vào khu dân cư.

“Chúng tôi đã nhiều lần ký vào đơn kiến nghị gửi bệnh viện, chính quyền địa phương và thành phố. Chưa thấy cơ quan nào đứng ra giải quyết” - anh Kế nói

Bà Hoàng Thị Liên (60 tuổi, trú tại huyện Yên Thành) đang chăm người thân tại bệnh viện cho biết: “Hằng ngày phải đối diện với mùi hôi thối ngay trước cửa buồng bệnh, trời nắng nóng bốc mùi nồng nặc, ngày mưa thì chảy ra cả sân. Chăm người thân mà cũng đổ bệnh vì ô nhiễm”.

Xả thải vượt hàng chục lần cho phép

Theo kết quả quan trắc gần nhất (tháng 3/2015) của Trung tâm quan trắc và tài nguyên môi trường tỉnh Nghệ An, trong 15 chỉ tiêu chất thải ra môi trường, có 6 chỉ tiêu vượt hàng chục lần ở bệnh viện này.

Cụ thể, chỉ tiêu BOD vượt 14,2 lần; COD vượt 11,52 lần; Sunfuna vượt 12,87 lần; Amoni 14 lần; Photphat 10,46 lần; Coliforms 22 lần.

{keywords}

Hệ thống xử lý nước thải ở bệnh viên hoen gỉ, hư hỏng không có còn tác dụng

Nhà máy xử lý nước thải y tế của bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã xuống cấp nghiêm trọng. Nước đã qua xử lý vẫn vượt mức an toàn cho phép thải ra môi trường hàng chục lần cho phép.

Báo cáo của bệnh viện cũng thừa nhận, hệ thống cơ sở vật chất cũ kỹ, hoen gỉ, bể điều hòa được xây chìm, bể không có hệ thống lược rác thô cũng như lược rác tinh. Hệ thống thoát khí của bể bị nứt vỡ nhiều đoạn.

Nhiều thiết bị phình biến dạng, bong gẫy. Đệm vi sinh đã mục hỏng hoàn toàn, vi sinh bản địa phần lớn đã chết, dẫn đến xử lý bằng vi sinh vật của hệ thống không đạt tiêu chuẩn.

{keywords}

Bệnh viện trực tiếp xả thải chất bẩn ra môi trường tự nhiên, gây ảnh hưởng cho người dân xung quanh

Đối với hệ thống thoát nước thải sau khi được xử lý, do cốt nền của bệnh viện thấp hơn hệ cốt nền tại khu vực xung quanh nên nước thải sau khi xử lý được bơm cưỡng bức theo đường ống D150 ra phía kênh Cửa Bắc.

Ông Nguyễn Công Khánh, khoa Nhiễm khuẩn kiêm phụ trách kiểm tra xử lý rác thải bệnh viện Ung bướu thừa nhận, việc xả thải ra kênh Cửa Bắc dù biết sẽ gây ô nhiễm ra môi trường, nguy cơ lây nhiễm bệnh nhưng bệnh viện không có giải pháp nào khác trong khi chờ sự đầu tư dự án để làm mới nhà máy xử lý.

Ông Khánh thừa nhận, việc thu gom, phân loại rác của nhân viên chưa đúng qui định.

“Cơ sở hạ tầng vệ sinh bệnh viện đang xuống cấp nghiêm trọng, bệnh nhân phản ánh nhiều. Nhưng chúng tôi chỉ xin được kinh phí để sửa chữa từng phần hàng năm, chưa có kinh phí để làm tổng thể. Về kho bãi, hiện tại cũng đang chờ đầu tư để nâng cấp, sửa chữa làm lại'' – ông Khánh thông tin

Ông Bạch Hưng Cử - Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An cho biết, tình trạng bệnh viện xả thải không đủ quy chuẩn ra kênh Cửa Bắc, Chi cục đã nhiều lần kiểm tra, nhiều buổi làm việc với bệnh viện nhưng không thể đình chỉ việc xả thải. 

Cũng theo ông Cử, việc bệnh viện xả nước thải không đúng quy chuẩn do nhà máy xử lý nước thải xuống cấp nghiêm trọng.

Phó giám đốc bệnh viện Phạm Vĩnh Hùng cho biết, đã nhiều lần gửi báo cáo về tình trạng xuống cấp của nhà máy xử lý nước thải. UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt phương án nâng cấp nhưng chưa được thực hiện.

Văn Bình - Quốc Huy