Lãnh đạo Triều Tiên từng làm nhiều nhà phân tích phải "mắt tròn mắt dẹt" khi xuất hiện cùng limousine chống đạn của Daimler trong nhiều sự kiện chính trị quan trọng, AP cho biết.

Trong ba ngày qua, những chiếc limousine thêm một dịp tái xuất tại Vladivostok trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều Tiên.

Khi đoàn tàu bọc thép Triều Tiên đến nhà ga Vladivostok khoảng 17h50 ngày 24/4, hai chiếc Mercedes Maybach S600 Pullman Guard và Mercedes Maybach S62 của Daimler đậu sẵn trước cổng chờ ông Kim.

Bi an cach Trieu Tien sam sieu xe Maybach S600 cho ong Kim Jong Un hinh anh 1
Ông Kim Jong Un đi limousine bọc thép đến địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều ngày 25/4. Ảnh: Reuters.

Theo nhiều nhà quan sát, chiếc S600 Pullman Guard cũng được ông Kim sử dụng tại thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore năm 2018 và ở Hà Nội vào tháng 2. Phiên bản mà ông Kim sử dụng có thể được trang bị đầy đủ các hệ thống liên lạc và tiện ích tối tân. 

Điều làm nhiều nhà phân tích thắc mắc chính là cách thức siêu xe được mang từ Đức về Triều Tiên. Mọi hàng hóa xa xỉ, trong đó có mặt hàng xe limousine, đều bị cấm xuất khẩu sang Triều Tiên theo các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm tăng sức ép lên chương trình vũ khí hạt nhân.

"Chúng tôi không thể hiểu bằng cách nào những chiếc xe này đến được đất Triều Tiên", người phát ngôn của hãng Daimler, Silke Mockert, cho biết.

"Với công ty Daimler, việc xuất khẩu hàng hóa tuân thủ đúng pháp luật là quy tắc nền tảng cho hoạt động doanh nghiệp một cách có trách nhiệm", bà khẳng định.

Bi an cach Trieu Tien sam sieu xe Maybach S600 cho ong Kim Jong Un hinh anh 2
Xe limousine bọc thép đậu trước cổng nhà ga Vladivostok đón ông Kim Jong Un chiều 24/4. Ảnh: AP.

Công ty đặt trụ sở chính ở Stuggart, Đức, là một trong những nhà sản xuất ôtô hạng sang lớn nhất thế giới. Daimler là một trong sáu nhà cung cấp ôtô vận tải hành khách cao cấp và là nhà sản xuất xe tải trên 6 tấn lớn nhất thế giới. 

Dù tuyên bố có khách hàng mua xe và dịch vụ ở gần như mọi quốc gia trên thế giới, Daimler khẳng định họ tuyệt đối tuân thủ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và không làm ăn với Triều Tiên.

"Trong hơn 15 năm qua, công ty chúng tôi không có liên hệ kinh doanh nào với Triều Tiên và luôn tuân thủ nghiêm ngặt lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu và Mỹ", Mockert cho biết.

"Tuy nhiên, việc bán lại phương tiện cho một bên thứ ba, cụ thể là phương tiện đã qua sử dụng, nằm ngoài khả năng kiểm soát và phạm vi trách nhiệm của chúng tôi", bà nói.