- Những ngày qua, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như gây xôn xao dư luận. Tại sao chỉ bằng những chiêu trò cũ rích, trong thời gian ngắn, người đàn bà ít tuổi này có thể dễ dàng chiếm đoạt khối tiền lớn lên tới 4.000 tỷ đồng? Không chỉ vậy, qua diễn biến phiên tòa, cho thấy vụ án vẫn còn nhiều "lấn cấn".
Hành tung bí ẩn người khắc dấu
Theo cáo trạng, để thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 4.911 tỷ đồng của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân, Huỳnh Thị Huyền Như thuê làm giả con dấu, các hợp đồng và các tài liệu của cơ quan, tổ chức. Cụ thể:
Như đã làm giả 8 con dấu của Vietinbank - chi nhánh Nhà Bè, Công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát, Công ty Hưng Yên, Công ty Đức Minh Quang, Công ty An Lộc, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty chứng khoán Saigonbank-Berjaya để đóng vào các tài liệu, giấy tờ do Như làm giả.
Huỳnh Thị Huyền Như sau phiên tòa. |
Như khai nhận thuê khắc dấu giả của một người khắc dấu dạo tại đường Phạm Hồng Thái gần công viên 23/9 (quận 1, TP.HCM) với mục đích sử dụng để chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, suốt quá trình điều tra người được Như khai là đã khắc những con dấu trên không được xác định vì theo lời khai của Như là "không rõ lai lịch".
Thế nhưng, cần phải thấy rằng, hành trình Như lừa đảo diễn ra suốt từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2010, việc Như là đảo của mỗi công ty, cá nhân diễn ra trong khoảng thời gian khác nhau...nên không thể có chuyện Như làm giả 8 con dấu trên cùng một lúc. Như vậy, chẳng lẽ Như không có bất kỳ thông tin gì về người khắc dấu ?
Tại sao Huyền Như lại không khai chi tiết hơn về nhân vật này? Để tạo ra một con dấu thật cho một doanh nghiệp theo quy định phải diễn ra cả một quá trình. Nếu những gì Như nói là thật, tại sao người khắc dấu trên biết Như liên tiếp làm giả 8 con dấu của từ ngân hàng đến hàng loạt công ty mà vẫn làm? Và chẳng lẽ ngay sau khi Như bị bắt người này cũng ngẫu nhiên không hành nghề tại công viên 23/9 nữa?
Biết đâu nếu triệu tập được người làm giả con dấu trên sẽ có nhiều vấn đề được làm sáng tỏ hơn. Bởi đối với một vụ án hình sự để đảm bảo không oan sai, không bỏ lọt tội phạm đòi hỏi không được bỏ qua bất kỳ chi tiết nào dù nhỏ nhặt nhất.
Con dấu thật, chữ ký thật, sao hợp đồng lại giả?
Cũng theo bản cáo trạng và tại tòa, Như khai nhận: đầu năm 2010, Như đã gặp gỡ và đàm phán với Phạm Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Thái Bình Dương để huy động tiền về Vietinbank - chi nhánh TP.HCM.
Sau đó, do muốn chia sẻ doanh số với Vietinbank - chi nhánh Nhà Bè, Như đã giới thiệu Võ Anh Tuấn - Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để Võ Anh Tuấn huy động tiền của công ty này về chi nhánh Nhà Bè.
Quá trình đàm phán huy động tiền, do không biết được mức lãi chênh lệch ngoài hợp đồng Như đã thỏa thuận với Phạm Anh Tuấn nên Võ Anh Tuấn đã cùng Như chuẩn bị, ký sẵn và đóng dấu thật của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè vào hợp đồng còn một số nội dung bỏ trống để tiến tới ký hợp đồng. Sau đó, khi biết được mức lãi suất thực tế Như thỏa thuận, Võ Anh Tuấn đã không huy động tiền về Vietinbank nữa.
Ngay sau đó, Như sử dụng chữ ký thật của Võ Anh Tuấn và con dấu thật của Vietinbank trên tiếp tục ký hợp đồng với Phạm Anh Tuấn. Do nhận được giấy xác nhận "tiền đã về Vietinbank - chi nhánh Nhà Bè" do Võ Anh Tuấn ký tên và đóng dấu thật của Vietinbank nên từ đó Công ty Thái Bình Dương tiếp tục chuyển tiền.
Sau đó, Vietinbank khẳng định không ký các hợp đồng ủy thác đầu tư vốn trên với Thái Bình Dương. Như đã làm giả hợp đồng và các chứng từ liên quan để chiếm đoạt của công ty Thái Bình Dương 80 tỷ đồng. Công ty Thái Bình Dương được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án.
Tuy nhiên điều này không khỏi gây lấn cấn. Phải thấy rằng khi Như sử dụng con dấu thật của ngân hàng, chữ ký thật của Giám đốc chi nhánh thì những hợp đồng này phải là thật. Việc tại sao Như lại có con dấu, chữ ký trên thì thuộc trách nhiệm của Vietinbank và hậu quả pháp lý Vietinbank phải chịu, phải giải quyết với Huyền Như chứ tại sao lại nói đó là hợp đồng giả và bắt khách hàng chịu?
Khách hàng gửi tiền vào ngân hàng phải chịu nếu xảy ra rủi ro?
Theo cáo trạng, 19 nhân viên ngân hàng ACB đã đứng tên gửi tiền của ngân hàng vào Vietinbank. Toàn bộ quá trình gửi tiền và hợp đồng tiền gửi đều diễn ra theo quy định. Theo kết quả in sao kê thì tiền của ACB đã được chuyển về Vietinbank. Hiện tại, ACB còn thiệt hại 718 tỷ đồng và cũng được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án.
Tại tòa, khi luật sư bảo vệ quyền lợi của ACB hỏi Huyền Như rằng các hợp đồng trên có đúng quy định pháp luật không và những câu hỏi liên quan đến quá trình giao dịch, Huyền Như liên miệng trả lời "không nhớ, không biết, xin phép không trả lời". Thậm chí, Huyền Như và Võ Anh Tuấn còn bất ngờ nói ra rằng sau khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng thì người chịu trách nhiệm quản lý tài khoản của khách hàng chính là khách hàng.
Có đoạn thì Huyền Như cho rằng Vietinbank không phải chịu trách nhiệm vì: "ngay từ lúc bắt đầu hợp đồng, bên bị cáo đã sai nhưng khách hàng cũng đã sai (vì muốn hưởng lãi cao quá quy định hay vì luật không cho phép ngân hàng đem tiền của khách hàng đi gửi ở ngân hàng khác - PV).
Đối với ACB, do việc gửi tiền trái quy định nên dàn lãnh đạo ACB lúc đó đã dính vòng lao lý còn khi tiền của ACB đã về Vietinbank và Huyền Như đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt thì phải hiểu rằng đó là chiếm đoạt tiền của Vietinbank, Vietinbank phải là nguyên đơn dân sự (bên bị thiệt hại) chứ sao có thể không liên quan và bên chịu thiệt hại là ACB?
Cũng vì những "lấn cấn" trên, quá trình điều tra VKSND Tối cao đã trả hồ sơ nhiều lần theo hướng xác định Huyền Như đã chiếm đoạt tiền của Vietinbank, Vietinbank là bên chịu thiệt chứ không phải 9 công ty, 3 ngân hàng và các cá nhân như cáo trạng nêu. Thế nhưng, kết quả điều tra không thay đổi.
Các đơn vị, cá nhân được xác định là nguyên đơn dân sự, bị hại trong vụ án cũng có những bức xúc tương tự. Và thực sự đến giờ phút này, "đại án" Huyền Như vẫn còn quá nhiều lấn cấn.M.Phượng