Ít ai biết rằng, vợ chồng anh từng bị cho là gàn dở khi bỏ phố về đồi, tự xây dựng nhà với chi phí ít ỏi.

Một buổi chiều mưa, cả gia đình quây quần trong phòng khách

Khao khát không gian sống thoải mái

"Gàn dở, lập dị, điên rồ là nhận xét của nhiều người, thậm chí cả bạn bè khi hay tin vợ chồng tôi xây nhà ở quả đồi xa khu dân cư, chưa có điện lưới, nước sạch. Chúng tôi không thuê thợ mà tự đào móng, san mặt bằng, dựng khung cột, trộn vữa…

Suốt 5 tháng, hai vợ chồng ở trong túp lều ọp ẹp giữa đồi, làm ngày làm đêm. Có khi mưa gió ầm ầm kéo đến, mỗi đứa ôm một góc lều, sợ gió cuốn đi mất”, anh Nguyễn Ngọc Luận (36 tuổi, quê Hà Nam, hiện sống ở Lâm Hà, Lâm Đồng) kể lại.

"Cực nhọc, vất vả, có lúc thất vọng nhưng thành quả của chúng tôi là một không gian sống đúng ý muốn của gia đình, hòa mình vào thiên nhiên.

Mỗi ngày, thay vì cặm cụi bên bàn làm việc, trong căn phòng kín bưng ở thành phố, tôi mở cửa nhà, đón biển mây, hít hà không khí mát lạnh của bình minh. Tối tối, cả nhà quây quần bên lò sưởi. Bố mẹ làm việc, con đọc sách hoặc cùng trò chuyện”.

nhà lâm hà 16.JPG
Ngôi nhà ẩn hiện giữa biển mây

Anh Luận vốn là một họa viên 3D. Trước đây, anh và vợ - chị Tú Uyên (35 tuổi) sống tại TPHCM. Khi đó, anh Luận chủ yếu làm việc online với đối tác nước ngoài. Do chênh lệch múi giờ, anh thường "ôm" máy tính xuyên đêm, rồi ngủ bù vào ban ngày.

"Tôi gần như không có thời gian gặp bạn bè, thậm chí chẳng có thời gian đưa con đi học, vui chơi cùng con. Thức đêm thường xuyên và làm việc cường độ cao, có khi một tuần, tôi cảm lạnh 2 - 3 lần, sức khỏe và tinh thần đều mệt mỏi”, anh nhớ lại.

Khao khát có một không gian sống thoải mái hơn để tìm kiếm nguồn năng lượng tích cực, năm 2020, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng anh Luận quyết định rời TPHCM, đưa con về Đà Lạt (Lâm Đồng) thuê nhà.

Không khí thoáng đãng, mát mẻ, gần gũi thiên nhiên, giúp anh thoải mái hơn, có cảm hứng sáng tạo.

Tuy nhiên, khoảng 6 tháng sau, đôi vợ chồng nhẩm tính, chi phí thuê nhà, sinh hoạt ở Đà Lạt rất đắt đỏ, không kém TPHCM. Nếu chọn định cư lâu dài, họ không biết tới bao giờ mới mua được nhà ổn định.

Anh Luận quyết định tìm kiếm những mảnh đất vườn, đất đồi ở các huyện thị lân cận Đà Lạt.

Tới năm 2022, từ số tiền tích cóp, anh chị mua được mảnh đất đồi khoảng 3.000m2 ở Lâm Hà (Lâm Đồng). Khu đất nằm cách xa khu dân cư, ở một quả đồi có tầm nhìn bao quát ra huyện Lâm Hà, có thể ngắm nhìn đỉnh Langbiang Đà Lạt.

"Sau khi mua đất, vợ chồng tôi còn khoảng 400 triệu đồng. Để kéo điện, nước tới đây đã mất hơn 100 triệu. Số tiền còn lại quá ít ỏi, không đủ để thuê nhân công xây dựng ngôi nhà gỗ theo ý muốn. Chúng tôi quyết định tự xây nhà”, anh Luận nói.

Anh Luận có thể thiết kế, tính toán vật liệu, song không có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng công trình thực tế. Hai vợ chồng vừa làm vừa học. Thời gian đầu, bố mẹ anh Luận từ Nha Trang vào Lâm Đồng hỗ trợ con cháu.

Cả nhà lên đồi, dựng căn lều tạm để thuận tiện cho việc xây dựng. Hai vợ chồng tự đào hố móng, san mặt bằng, làm cả ngày cả đêm. Khi đổ móng nhà, bố mẹ anh Luận và người chú cùng phụ giúp.

Lúc làm tới khung cột nhà, thì Lâm Hà vào mùa mưa. Khung gỗ vốn dễ mốc nên hai vợ chồng cứ làm nửa ngày, lại phải ngồi trong lều nửa ngày chờ mưa dứt.

"Ngày đầu tôi tự xẻ gỗ, gỗ không đứt nhưng dây điện thì đứt lìa, rất vụng về. Tôi định thuê thêm người dựng khung cột nhưng cả nhà bảo nhau tự làm thử xem. Ấy vậy mà chiếc cột đầu tiên cũng được dựng lên chắc chắn. Sau đó là chiếc thứ 2, 3…

Chừng 5 tháng, ngôi nhà đã có phần mái vững chãi, chúng tôi không phải ngủ lều nữa. Tôi dùng bạt, quây thành vách để tạo căn phòng ngủ cho yên tâm”, anh kể.

nhà lâm hà 3.JPG
Căn lều tạm, nơi hai vợ chồng sống suốt 5 tháng trời

Gia đình anh Luận miệt mài xây dựng ngôi nhà gỗ trong mơ

Ngôi nhà giữa biển mây

Để chống mối mọt, ẩm mốc, anh Luận chủ yếu sử dụng gỗ thông hấp sấy rồi sơn phủ thật kỹ. "Ban đầu, thấy vết mốc, nấm, tôi rất khó chịu. Thử cách này, khác, gỗ vẫn mốc, tôi có phần thất vọng. Nhưng dần dần, làm mãi cũng có kinh nghiệm”. 

Những ngày sau đó, mỗi người một việc, căn nhà dần hình thành. Hai con anh Luận ngoài giờ đi học cũng phụ bố mẹ những việc nho nhỏ, thích thú vui chơi trong khu vườn. Một số công đoạn như đổ sàn, xây nhà vệ sinh, anh Luận thuê thợ.

nhà lâm hà.JPG
Ngôi nhà gỗ dần hình thành sau nhiều công sức của cặp vợ chồng

Căn nhà gỗ giữa đồi dần hoàn thành với diện tích 120m2, có phòng khách - bếp nối liền, rộng rãi, hai phòng ngủ nhỏ và một khu vệ sinh phía ngoài. Ngày nhìn thấy hình hài của ngôi nhà, vợ chồng anh Luận không khỏi xúc động.

Chưa có kinh nghiệm, tài chính thì hạn hẹp, họ không dám tin có thể hoàn thành ngôi nhà trong mơ.

Suốt 3 năm qua, họ vẫn tiếp tục cải tạo thêm cho tổ ấm của mình. "Cuộc sống của chúng tôi hoàn toàn thay đổi", anh Luận hạnh phúc chia sẻ.

Từ ngày về đồi, anh bắt đầu ngày mới sớm hơn để cùng vợ đón bình minh, chăm vườn, ăn sáng, uống cà phê. Sau đó, anh tập trung làm việc theo khung giờ khoa học. Họ cũng học cách làm vườn, trồng rau, "sống chung" cùng côn trùng.

nhà lâm hà 12.JPG
Vợ chồng anh Luận tự làm vườn, trồng cỏ, trồng hoa phủ xanh ngôi nhà
451217855_2480188032151896_1576003288958020187_n.jpg
Góc làm việc "xanh mướt" của anh Luận, khác xa căn phòng bí bách ở thành phố

"Trước đây, tôi mất khá nhiều thời gian cho việc lướt mạng xã hội. Bây giờ, tôi học cách làm việc ít thời gian, nhưng tập trung cao độ.

Từ đó hiệu quả công việc và thu nhập đều tốt hơn. Cả gia đình vui vẻ, sức khỏe thể chất, tinh thần cải thiện thấy rõ. Hai vợ chồng có nhiều thời gian đồng hành bên con", anh Luận chia sẻ.

"Quyết định rời thành phố về vùng nông thôn chưa bao giờ là dễ dàng. Tôi có lợi thế là công việc có thể làm online ở bất cứ đâu, nhưng hai vợ chồng cũng trải qua không ít vất vả. Nếu không kiên trì, quyết tâm, chắc chúng tôi đã thất bại", anh nói.

nhà lâm hà 17.JPG
Hàng tuần, ngôi nhà của gia đình nhỏ đều đón bạn bè, người thân tới nghỉ ngơi, vui chơi như một địa điểm "chữa lành"

Ảnh và video: Nhân vật cung cấp