Tháng 8 vừa qua, một bé gái nặng 6,1kg đã chào đời tại Khoa Phụ sản, Bệnh viện Lê Văn Việt (TP.HCM). Bé gái là con thứ 3 của sản phụ H.T.N (40 tuổi). Hai lần sinh trước, con của chị N. có cân nặng trên 3kg.

Ở lần mang thai này, chị N. không khám thai đều đặn, không có bác sĩ khám và tư vấn điều trị. Đến khi có dấu hiệu chuyển dạ, sản phụ mới đi bệnh viện. Qua thăm khám, siêu âm và xét nghiệm máu, các bác sĩ xác định sản phụ bị tiền sản giật và đái tháo đường thai kỳ, được mổ cấp cứu kịp thời.

Sau sinh, hai mẹ con chị N. đều có sức khỏe ổn định. Theo các bác sĩ, thai nhi vừa chào đời đã nặng 6,1kg là tình huống rất hiếm gặp. Nguyên nhân phổ biến của việc thai to bất thường là do sản phụ bị đái tháo đường thai kỳ, kéo theo nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Thiều Đình Hoàng, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Quân Y 175 (TP.HCM), đái tháo đường thai kỳ là bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp nhất trong lúc mang thai và có xu hướng ngày càng tăng.

W-so-sinh-nhi-dong-1.jpg
Người mẹ bị đái tháo đường thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ thai nhi dị tật, chậm tăng trưởng. Ảnh minh hoạ: Duy Anh.

Thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ năm 2021 tại Việt Nam tăng lên 21,8%, cao hơn khoảng 5 lần so với giai đoạn 2001-2004. Tương ứng với đó, cứ 5 phụ nữ mang thai lại có 1 người gặp phải tình trạng đái tháo đường trong thai kỳ.

Nguy cơ này càng tăng cao hơn nếu sản phụ có tình trạng béo phì trước khi mang thai, tiền sử gia đình bị đái tháo đường, tiền sử sinh con to trên 4kg… Bên cạnh đó, những phụ nữ gốc châu Á, người mang thai sau 35 tuổi hay người có hội chứng buồng trứng đa nang cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ.

Hậu quả của loại bệnh trên là sản phụ có nguy cơ tiền sản giật và tăng huyết áp thai kỳ cao hơn so với những người bình thường, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, người mẹ mang thai còn bị đa ối, sinh khó, tăng nguy cơ mổ lấy thai, tăng tỷ lệ bị đái tháo đường type 2 sau này.

Với thai nhi, người mẹ bị đái tháo đường thai kỳ làm tăng nguy cơ thai bị dị tật bẩm sinh, chậm tăng trưởng, thai to (thai trên 4kg làm tăng nguy cơ kẹt vai và rách phức tạp tầng sinh môn nếu sinh thường), hạ đường huyết sau sinh, tử vong sau sinh, vàng da sơ sinh, nguy cơ béo phì và đái tháo đường type 2 khi trưởng thành.  

Bộ Y tế khuyến cáo mọi thai phụ cần được tầm soát đái tháo đường thai kỳ, tuần thai thứ 24-28 được xem là thời điểm tốt nhất để tầm soát bệnh. Một số thai phụ có nguy cơ cao sẽ được bác sĩ tư vấn tầm soát sớm hơn.  

Bác sĩ Hoàng cho biết thai phụ sẽ được thực hiện nghiệm pháp dung nạp 75 gram đường để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ. Sau đó, người bệnh sẽ được hướng dẫn điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện ở mức vừa phải (khoảng 30 phút/ngày hoặc hơn) để kiểm soát đường huyết trong giới hạn cho phép.

Nếu mức đường huyết không giảm như mong muốn, có thể bác sĩ cần phải chỉ định thuốc insulin tiêm hằng ngày và theo dõi thai kỳ đặc biệt hơn.

Cũng theo bác sĩ Hoàng, người bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao bị đái tháo đường thực sự sau sinh. Do đó, cần thực hiện tầm soát sớm sau sinh 4-12 tuần bằng nghiệm pháp dung nạp 75 gram đường.

Khi có bệnh, các bác sĩ sẽ lên kế hoạch theo dõi sát chỉ số đường huyết định kỳ, tư vấn chế độ ăn phù hợp, kết hợp vận động để kiểm soát đường huyết và cân nặng thai nhi được tốt hơn.

Đái tháo đường là bệnh chuyển hóa mạn tính với đường huyết trong máu tăng cao, theo thời gian dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim, mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Về phân loại, đái tháo đường type 1 chiếm khoảng 10%; đái tháo đường type 2 chiếm khoảng 85% trường hợp mắc bệnh; đái tháo đường thai kỳ; đái tháo đường do nguyên nhân thứ phát sau bệnh lý tuyến tụy ngoại tiết hay bệnh nội tiết (to đầu chi, hội chứng Cushing…).

Linh Anh

15% người bệnh đái tháo đường bị trầm cảmMột nghiên cứu của các bác sĩ tại TP.HCM cho thấy có gần 15% bệnh nhân đái tháo đường điều trị ngoại trú bị trầm cảm. Tình trạng này xảy ra nhiều ở nữ giới, dễ gây biến chứng thậm chí tử vong.