Bà xe ôm khóc khi nhận được bao gạo 5kg

12 giờ trưa 7/4, bà Đặng Thị Kim Huệ, 61 tuổi tranh thủ mua hoa, trái cây về thắp hương ngày rằm để nấu bữa trưa cho hai cháu nội và con dâu ăn. Được bà Lê Thị Thu Mì, Chi hội trưởng chi phụ nữ khu phố 8, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP.HCM đại diện cho một mạnh thường quân mang bao gạo 5kg đến trao, bà đưa hai tay nhận, nước mắt rưng rưng.

‘Sao chị không để phần này cho người nghèo hơn em. Con trai em vừa được người ta nhận đi làm bảo vệ rồi. Tới đây, cuộc sống của mấy mẹ con bà cháu sẽ đỡ hơn’, bà Kim Huệ nói với người trao quà.

{keywords}
Mắt bà Kim Huệ đỏ hoe khi nhận được bịch gạo 5kg của mạnh thường quân trao.

‘Đây là quà của một mạnh thường quân gửi chị trao giúp, em cứ nhận cho người ta vui. Mấy hôm nay cách ly toàn xã hội, chắc em bán hàng khó lắm’, bà Chi hội trưởng chi hội phụ nữ khu phố 8 nói.

Đặt gói quà xuống, bà Kim Huệ lấy nước mời khách và nói: ‘Em cảm ơn chị và người trao nhé. Đang dịch bệnh, ai cũng khó khăn mà họ tốt quá’.

Bà Kim Huệ là mẹ đơn thân nuôi bốn con. Căn nhà bà đang ở là của ba mẹ bà để lại. Dù căn nhà rộng hơn 40 m2, nhưng có đến 20 người ở.

‘Vợ chồng con trai tôi và vợ chồng em tôi thì được ngủ trong hai phòng. Còn lại thì cứ trải chiếu dưới nền nhà nằm chung’, bà Huệ nói.

Trước đây, bà Huệ chạy xe ôm kiếm thu nhập. Ngày 1/4, việc cách ly toàn xã hội được thực thi. Lúc đó, chân bà vừa lành sau lần té xe. Con trai cũng thất nghiệp, con dâu bán cá ở trước nhà cũng ế vì dịch bệnh, bà lấy thêm hoa, trái cây về bán cùng con dâu.

{keywords}
Bà Lê Thị Thu Mì Cho biết, bà Kim Huệ là một người phụ nữ mạnh mẽ, vươn lên trong khó khăn của khu phố.

‘Dịch bệnh nên làm ăn khó quá. Không biết khi nào con virus corona này hết đi nữa’, bà Huệ thở dài.

Đưa tay chỉ mấy bịch quần áo cũ, bà Kim Huệ cho biết, trước đây bà thường nhận quà ủng hộ của các mạnh thường quân, khi quần áo cũ, khi gạo, khi đồ ăn và có cả tiền mặt. Bất kể món quà nào, bà cũng trân trọng. ‘Mấy chục năm rồi, tôi không phải mua quần áo mới, nhưng lúc nào cũng có đồ tốt mặc. Mấy bịch quần áo này tôi được người bạn cho, toàn là đồ tốt. Vì mặc không hết, tôi gói lại, ít hôm nữa cho mấy đứa em ở các tỉnh miền Tây’, người phụ nữ quê gốc Sài Gòn nói.

Chị bán cá bị cướp giữa đêm

Cách đó mấy trăm mét, mẹ con chị Bùi Thị Huệ, 47 tuổi, làm nghề bán cá cũng chật vật vì dịch bệnh. Chị cho biết, 8 tháng trước, chồng chị qua đời vì ung thư sau gần hai năm chữa trị.

Toàn bộ tiền tiết kiệm, tài sản đã bán hết chữa trị cho chồng, vì thế, hai mẹ con chị phải chuyển về căn nhà của bố mẹ ở tạm. Căn nhà này hai tầng, diện tích sàn rộng chưa đến 40 m2, nhưng có đến 15 người là 7 anh em chị và các cháu ở.

‘Bảy anh em tôi ai cũng khó khăn nên sống ở đây cho đỡ tiền thuê trọ. Nhà đông người nên không có phòng riêng, mỗi người chia nhau một tý nằm ngủ’, người phụ nữ sinh năm 1973 nói hoàn cảnh của mình.

{keywords}
Ôm bịch gạo và gói quà vào lòng, chị Huệ cho biết, chị rất trân trọng và biết ơn khi nhận được quà từ thiện trong mùa dịch bệnh.

3 giờ sáng ngày 1/4, như thường lệ, chị một mình chạy xe đến chợ đầu mối Bình Điền (huyện Bình Chánh) lấy cá về bán. Chạy xe đến gần trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh thì bị một thanh niên đi xe phân phối lớn áp sát giật mất hơn 2 triệu đồng.

‘Chắc anh ta theo dõi tôi nên mới biết, tiền tôi đang để trong túi áo’, chị Huệ nhớ lại. May mắn, chị giữ tay lái vững nên chỉ bị trầy xước chân một chút. Tuy nhiên, số tiền vốn đã mất, chị phải mua cá chịu về bán, hẹn hôm sau mang đến trả. ‘Mấy mối tôi lấy cá đều là người quen nên họ cũng tạo điều kiện’, chị Huệ nói, giọng vẫn chưa hết hoảng sợ khi nhớ lại vụ cướp mình gặp trong đêm.

Chị cho biết, con gái chị là giáo viên mới ra trường, chưa xin được chỗ làm ổn định nên đi dạy gia sư. Từ khi virus corona xuất hiện, mấy phụ huynh họ gọi đến xin cho con tạm nghỉ học, cô bé phải ra phụ bán cá với mẹ.

Bà Thu Mì cho biết, chị Huệ là một trong những gia đình khó khăn của khu phố, nhưng rất có ý chí vươn lên. ‘Chồng bị bệnh, một mình cô ấy vừa chăm chồng, vừa lo cho con ăn học. Con bé vừa ra trường thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Số nợ cô ấy vay để chữa bệnh cho chồng chưa trả xong nên làm hai mẹ con khó khăn hơn. Đây là phần quà chúng tôi gửi tặng cho người vươn lên trong khó khăn’, bà Thu Mì nói.

Ôm bao gạo và gói quà bà Thu Mì trao, chị Huệ nói bằng giọng biết ơn: 'Mẹ con tôi sẽ ăn hết số gạo này. Con gái tôi chắc cũng vui lắm'. Chị cũng nhắn với người trao, lần sau hãy nhường suất quà cho người khác, vì mẹ chị dù sao cũng đỡ hơn, vì còn có nhà, có công việc để làm.

Tình người trong xóm trọ nghèo nhất Sài Gòn mùa dịch Covid-19

Tình người trong xóm trọ nghèo nhất Sài Gòn mùa dịch Covid-19

Công ty cho nghỉ dịch từ tháng 2, Thanh phải nấu đồ ăn bán tại nhà để kiếm hơn 3 triệu/tháng mua tã, sữa cho con.  

Tú Anh