Những tưởng, câu chuyện "một ông hai bà" đã là của quá khứ, thế nhưng, ngay trong cuộc sống hiện đại, vẫn còn tồn tại nhiều chuyện vợ chồng éo le, bi hài, mà trong đó, người vợ vừa là nạn nhân vừa là người "giúp sức" tích cực cho chồng vi phạm luật hôn nhân gia đình.


Xưa là thế…

Chuyện xảy ra cách đây năm, sáu mươi năm, ở cái thời mà người phụ nữ vừa mới bước ra khỏi cảnh "chồng chung". Cụ bà Nguyễn Thị Vịnh, ngụ Ninh Thuận năm nay đã gần 90, nhưng vẫn còn khoẻ mạnh, tỉnh táo lắm. Cụ kể, cụ quê Triệu Sơn, Thanh Hoá. Hơn sáu mươi năm trước, cụ lúc ấy đã có ba mặt con với chồng. Chồng cụ là con một gia đình làm nông khá giả, còn cụ buôn hàng xén. Vợ chồng con cái sống đề huề, hạnh phúc. 

Hình minh họa.

Đột ngột một ngày, gia đình chồng cụ họp bàn, đưa ra quyết định phải cưới cho chồng cụ một người vợ nữa. Lý do là cụ "không biết đẻ". Tuy rằng vợ chồng cụ đã có một đứa con trai cả, nhưng đứa trẻ yếu ớt, hay ốm vặt.

Mẹ chồng cụ nói rành rọt: "Với lại chị Chinh (tên con trai cả cụ - cách gọi cha mẹ theo tên con cả của vùng nông thông Bắc bộ xưa) cũng là người buôn bán, vóc người ốm yếu, chúng tôi lo chị không đỡ đần được việc nhà, sau này chúng tôi đau ốm lấy ai chăm nom. Vì vậy mà phải hỏi thêm cho chồng chị một người vợ nhà nông khoẻ mạnh, sinh thêm vài thằng con trai và chăm nom nhà cửa thôi".

Ý của "bề trên" đã quyết, thế nên dù vợ chồng cụ đang khăng khít thương yêu nhau là thế, cụ vẫn phải gạt nước mắt cùng mẹ chồng đi tìm vợ cho chồng mình. Sáu mươi năm đã trôi qua, nhưng cụ kể, cụ vẫn nhớ như in cái cảnh mẹ chồng đi trước, cụ theo sau bê trầu cau đi hỏi. Vợ hai của chồng cụ là một cô gái mới 20, con nhà nông nên trông rất khoẻ mạnh, đậm đà. "Hồi ấy tôi cũng con nhà thầy đồ, có tí chữ nghĩa, cũng lãng mạn. Những đêm chồng ngủ với dì ấy ở giường trong theo "lệnh mẹ", tôi nằm ôm con mà khóc".

Tuy nhiên, theo cụ Vịnh, trường hợp của cụ không phải là cá biệt. Rất nhiều người bạn cùng làng của cụ, mà cụ còn nhớ mang máng tên như cụ Liệu, cụ Nhiên, cụ Là... đều có những cảnh khổ "chồng chung", người thì vì không sinh được con trai, người thì bị mẹ chồng bắt ép, người thì chồng trăng hoa muốn có nhiều vợ... Tàn dư của cái thời như cụ bà Nguyễn Thị Vịnh nay vẫn còn nhiều. Thi thoảng người ta vẫn bắt gặp đây đó những già đình các cụ đã qua tuổi thất thập, sống cảnh “một ông hai, ba, bốn bà” từ thuở còn trẻ đến giờ, có cụ con cái lên đến vài chục người.

"Cái thời của tôi nó thế, số phận người đàn bà khổ sở lắm, chẳng mấy ai được cảnh vợ chồng thương yêu trọn vẹn như cái thời này đâu", cụ Vịnh nói. Bởi thế, cụ rất ngạc nhiên trước thông tin, trong xã hội hiện đại ngày nay vẫn còn có nhiều cảnh, những người vợ "đi hỏi vợ" cho chồng, làm khổ chính mình...

Nhưng nay vẫn vậy

Chuyện chị Lê Thị Hoa, quê Tân Uyên, Bình Dương đưa đơn ly hôn chồng, bạn bè biết vừa thương lại vừa trách chị. Ngày trước, khi chị quyết định đi cưới vợ nhỏ cho chồng, không ai là không trách chị dại dột, tự dưng một vợ một chồng không muốn, lại đi "rước giặc về nhà".

Chuyện là hai vợ chồng chị Hoa là chủ hai sạp vải khá "ăn nên làm ra", họ đã có hai đứa con trai xinh xắn thì chị Hoa phát hiện bị u nang, phải cắt bỏ buồng trứng. Vốn mong muốn có thêm con gái để chăm nom, gần gũi lúc về già, lại thấy chị Quý, em con dì ruột, vốn phụ việc cùng mình bấy lâu ngoan ngoãn, hiền lành, lại quá lứa lỡ thì, chị Hoa nảy ra ý định gán cô em họ cho chồng mình nhằm kiếm một đứa con gái.

Mọi người ngăn cản thì chị xuề xoà: "Chồng tui tui biết, ổng không có tình ý gì đâu, do tui nài thôi. Con Quý cũng hiền khô à, khi nào nó sanh con gái xong tui sắp xếp lại". Sau đó, để che mắt thiên hạ, ban ngày chị Quý vẫn là người phụ bán vải, đêm về là "vợ hai" của chồng chị Hoa. Không biết chị Hoa sắp xếp thế nào mà giờ đây, chồng chị đòi ly hôn để được tự do sống với "em Quý" và hai đứa con riêng của họ.

Về chuyện cưới vợ cho chồng, còn lắm sự éo le mà người vợ có khi là nạn nhân, có khi lại là… người đồng loã hết sức tích cực (?!).

Chị Tạ Thị Loan ở Minh Hoá, Quảng Bình thì bị chồng đánh đập, ngược đãi để ép chị mang sính lễ đi cưới vợ bé cho ông chồng trăng hoa. Chị Lâm Thị Đệ ở Hồng Dân, Bạc Liêu thì bị mắc vào cái oan là chính tay viết đơn xin cưới thêm vợ cho chồng, mà hoá ra là chính ông chồng mèo mỡ tự giả danh viết lá đơn để níu kéo tình cũ và mong muốn "hợp thức hoá" mối quan hệ bất chính của mình.

Lùm xùm gần đây nhất là chuyện bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt ở phường Châu Văn Liêm (quận Ô Môn, Cần Thơ), không những tìm vợ cho chồng mà còn tổ chức cả đám cưới rình rang, linh đình. Cho dù lý do là lấy vợ bé cho chồng để chồng “toàn tâm toàn ý” cho gia đình, thì hành động của bà Nguyệt vẫn bị dư luận lên án dữ dội.

Những người vợ tình nguyện rước “người thứ ba” về nhà đều có những lý do nghe ra hết sức tội nghiệp. Tuy nhiên, cho dù bị ép buộc, vì chiều chồng hay vì mánh khóe giữ chồng đi nữa, thì kết cục, các chị vẫn là người thiệt thòi nhất. Tiếp tay với chồng làm khổ chính mình, đồng thời các chị cũng trở thành đồng phạm trong vụ việc vi phạm pháp luật hôn nhân - gia đình.

Có thể phạt hành chính hoặc hình sự

Điểm a, điểm b, khoản 1 và khoản 2 Điều 8 và Điều 3 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình quy định mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng; Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều 147 Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng: người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm…


(Theo PLVN)