- “Tôi biết bạn đang sợ, sợ kiện không thắng, sợ vướng mắc rắc rối, sợ quyền lực, sợ thói côn đồ. Quyết tâm lên bạn, lẽ phải sẽ ủng hộ bạn, mọi người xung quanh sẽ ủng hộ bạn”, độc giả Tuấn Anh chia sẻ.

Sau khi đăng tải chia sẻ của độc giả Văn Đăng “Giữa thủ đô: Hàng xóm đánh người còn bắt quỳ xin lỗi”, VietNamNet đã nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả tư vấn xử lý tình huống.

“Trên đời này vẫn còn công lý!”

Đọc tâm sự của anh Văn Đăng, rất nhiều độc giả bày tỏ sự cảm thông với anh, đồng thời cũng bày tỏ sự căm phẫn với nhà hàng xóm côn đồ. Nhiều ý kiến cho rằng, anh Đăng nên dũng cảm đòi lại công lý.

Độc giả Tuấn Anh cho rằng, cả nước, cả thế giới đang rất quan tâm đến nhân quyền nên xã hội sẽ đứng về phía anh Đăng: “Mọi người đọc bài đều đứng về phía bạn. Có thể bạn cho rằng chúng tôi chỉ chia sẻ với bạn qua “bàn phím” nhưng bạn cũng mới đăng một bài viết thôi. Dũng cảm lên bạn ơi. Tôi biết bạn đang sợ, sợ kiện không thắng, sợ vướng mắc rắc rối, sợ quyền lực, sợ thói côn đồ. Côn đồ không đánh người vô cớ để vướng vòng lao lý. Người có quyền cao chức trọng không dung túng con cháu và gia đình làm điều bất nhân. Quyết tâm lên bạn, lẽ phải sẽ ủng hộ bạn, mọi người xung quanh sẽ ủng hộ bạn”.

{keywords}
Một cảnh trong vở kịch "Hàng xóm chung cư". Ảnh: Dân trí

“Nếu nhà họ có người làm to, mình làm lớn chuyện ra chắc chắn họ sẽ sợ. Nhất là khi lý lẽ thuộc về mình. Dũng cảm lên bạn. Trên đời này vẫn còn công lý đó bạn”, độc giả Phạm chia sẻ.

Một số độc giả cho rằng, anh Đăng nên làm đơn trình báo lên cơ quan chức năng có thẩm quyền để được bảo vệ.

Độc giả Vũ Đức Hiệu bày tỏ: “Không thể để tình trạng như thế xẩy ra được nữa bạn ạ, cần phải nhờ chính quyền vào can thiệp thôi, bạn mà cứ nhún nhường thế nữa là sẽ có hậu quả nghiêm trọng hơn đấy. Nhà anh hàng xóm càng làm công an thì càng phải chịu sự phạt nghiêm, luật pháp Việt Nam tuy thế nhưng vẫn còn nghiêm minh, và có những người làm luật chân chính, bạn hãy tin vào luật của mình và cứ đi báo với chính quyền để giải quyết”.

“Bạn nên tìm cách liên hệ thẳng với GĐ CA Hà Nội hoặc thậm chí gửi thư thẳng đến Bộ CA. Chính phủ đang muốn thực thi tinh thần thượng tôn pháp luật và nâng cao nhân quyền. Nếu ngành công an không xử những đối tượng côn đồ núp bóng ngành thế này thì thật lạ”, độc giả Văn Quang tiếp lời.

Độc giả Nguyễn Thanh Minh cũng đồng quan điểm: “Anh đi viện khám thương tích cho cả hai vợ chồng, viết đơn gửi Công an Phường, Công an Quận, ghi âm lại các cuộc chửi mạt sát của bà hàng xóm, những người bao che dù đang làm cơ quan nhà nước, nếu họ làm sai cũng sẽ bị nhắc nhở, nặng thì kỷ luật. Nhờ bạn bè họ hàng can thiệp khi bị đánh 1 cách nhanh nhất vì ai cũng có họ hàng người thân, không để họ lộng hành thế được”.

Bình tĩnh để giải quyết vấn đề

Bên cạnh những ý kiến cho rằng anh Đăng nên nhờ công an giải quyết vấn đề, một số ý kiến lại cho rằng nên giữ hòa khí, hòa giải với nhau cho êm chuyện. Bởi đã là hàng xóm thì còn sống với nhau về lâu về dài.

Độc giả Văn Hiệp chia sẻ: “Nếu họ muốn hòa giải thì nên hòa giải. Hàng xóm láng giềng, còn giáp mặt với nhau nhiều. Nếu làm căng quá thì sau này khó nhìn mặt nhau. Còn nếu họ tiếp tục lấn tới thì nhờ cơ quan công an vào cuộc”.

Độc giả Ngọc Lan cũng cho rằng anh Đăng nên bình tĩnh để giải quyết sự việc, không nên dùng “tay chân” để đáp trả. “Tôi cũng là dân tỉnh nên rất bất bình. Nhưng hãy nhớ những bất lợi của mình. Theo tôi đầu tiên bạn cứ im lặng đã sau đó bắt đầu phát triển chính bản thân bạn và thiết lập mạnh các mối quan hệ của bạn đặc biệt là các bạn bè trong nghành công an. Nhưng bạn cũng phải có những động thái để nhà kia đừng được cớ mà lấn tới. Bình tĩnh bạn nhé. Đừng để ảnh hưởng đến vợ con. Đặc biệt là đừng hạ mình ngang hàng với bọn đấy đó là không được dùng tay chân”.

Còn độc giả Đỗ Thịnh thì cho rằng: “Quân tử trả thù 10 năm chưa muộn, Anh yếu thế thì nên nhẫn nhịn. Sau đó thuê thám tử theo dõi con trai và con gái bà ta xem có dấu hiệu sai phạm hay phạm tội gì không, sau khi có bằng chứng thì gửi nên báo chí tố cáo”.

Độc giả Uyên cũng cho rằng, anh Đăng nên thu thập chứng cứ rồi gửi đơn tố cáo lên cơ quan chức năng: “Đúng ra ngay khi xảy ra tranh chấp giữa hàng xóm và vợ bạn nên chụp hình hoặc quay video. Sau đó đưa vợ đi bệnh viện khám và lấy giấy xác nhận y tế. Và bạn cũng không nên sang nhà người ta. Có nói chuyện gì chọn nơi công cộng, đông người”.

K. Minh (tổng hợp)