Trong vấn nạn hành hung bác sĩ, bất an ở các BV, các bác sĩ là nạn nhân của chính họ và những yếu kém có hệ thống của ngành y.
Nhiều ý kiến đã mổ xẻ câu chuyện bạo hành bệnh viện, với việc quy trách nhiệm cho cả hai phía (áp lực xã hội và y đức bác sĩ). Nhưng, liệu quản lý Nhà nước của ngành y có vô can?
Yếu kém và thiếu đồng bộNgoài những BV Trung ương và một số BV lớn tuyến thành phố, hầu hết các BV cấp tỉnh, huyện đều trong trạng thái thiếu hụt trang thiết bị.
Theo thống kê ngân sách quốc gia năm 2012, tổng chi ngân sách của ngành y tế là 5.168.710 triệu đồng, nhưng chi đầu tư xây dựng cơ bản chỉ chiếm khoảng 21,5%.
Camea đã ghi hình cảnh bác sĩ bị hành hung ở bệnh viện Bạch Mai. |
Trong khi đó, hầu hết, các bác sĩ giỏi đều tập trung ở các BV trung ương và các bệnh viện lớn của tỉnh thành, nơi được đầu tư trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại. Còn tại các BV tuyến huyện/thị, chất lượng chuyên môn của các y bác sĩ không cao, phần lớn được đào tạo theo hình thức chuyên tu hoặc tại chức. Và ở những cơ sở y tế này, thiết bị luôn thiếu thốn, cũ kỹ và lạc hậu. Mà ngay cả được đào tạo bài bản, thì một đặc điểm của ngành y, môi trường làm việc thiếu các thiết bị kỹ thuật tiên tiến, và đồng nghiệp giỏi, sẽ hạn chế bước tiến tay nghề.
Chưa nói đâu xa, các BV tuyến huyện ở Hà Nội, thiết bị y tế cũng luôn ở trạng thái hỏng hóc, kém chất lượng chưa nói gì đến các địa phương vùng sâu vùng xa khác. Gần đây nhất, vụ máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA240 do Sở Y tế Hà Nội làm chủ đầu tư ở trạng thái “vỏ Đức, ruột Trung Quốc”, vừa mới nhập đã hỏng hóc, hoặc sử dụng được nhưng không đảm bảo chất lượng kết quả xét nghiệm đang bị dư luận lên án gay gắt và TP. Hà Nội đang phải vào cuộc điều tra làm rõ.
Chính vì vậy, những sự cố, rủi ro về chuyên môn ở các BV tuyến địa phương là điều khó tránh khỏi.
Mũ ni che tai hay là?...
Bất cứ nguyên nhân nào về các tồn tại trong hoạt động của ngành y lẫn vấn nạn hành hung bác sĩ đều liên quan đến quản lý ngành.
Việc để xảy ra những vụ việc lùm xùm trong BV như vòi vĩnh phong bì bệnh nhân, móc ngoặc với “cò”, kê đơn thuốc ăn hoa hồng của hãng dược và môi trường bệnh viện bất an là lỗi của những người đứng đầu BV. Họ không thể không biết những điều đó, khi mà cả xã hội đang lên án gay gắt. Rõ ràng, hoặc là họ mũ ni che tai ngậm miệng ăn tiền, hoặc là họ trực tiếp “bật đèn xanh” cho các hành động tiêu cực của cán bộ nhân viên dưới quyền.
Những sự việc nổi cộm của ngành y trong thời gian qua như nhân bản xét nghiệm máu ở BV đa khoa Hoài Đức, tham ô tài sản tại BV Nội tiết TW, ăn bớt vắc-xin tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, trục lợi bảo hiểm y tế tại nhiều bệnh viện, trung tâm y tế ở Hải Phòng, đấu thầu thuốc tại các BV, lập khống hồ sơ trục lợi ở BV đa khoa Bưu điện Tp.HCM, hay vụ máy xét nghiệm sinh hóa “vỏ Đức, ruột Trung Quốc” tại các BV tuyến huyện ở Hà Nội,… đã cho thấy có sự thông đồng và tiếp tay đó.
Thế nên dư luận không thể không cười buồn khi Bộ Y tế đã ký công văn “xin” tự xử lý vụ tiêu cực tham ô tài sản tại BV Nội tiết TW với lý do rất …. hài hước: “Sai phạm của một số cán bộ thuộc BV Nội tiết TW là lần đầu, có phần do chủ quan, không nhận thức được các quy định của pháp luật”. May mắn thay, cơ quan điều tra đã bác bỏ việc này.
Vấn nạn hành hung bác sĩ xảy ra và trở nên nghiêm trọng trong hơn 02 năm trở lại đây. Khi mà các vụ tử vong của bệnh nhân liên tiếp xảy ra tại các BV gây hoang mang cho xã hội. Chắc chắn rằng các nhà quản lý không thể dửng dưng đổ lỗi rằng “Quy định có rồi, ai sai người đó chịu”.
Xảy ra câu chuyện bất an ở các BV, rõ ràng các bác sĩ là nạn nhân của chính họ và nạn nhân của chính những yếu kém có hệ thống trong ngành.
Không ai có đủ lý lẽ để biện minh, bênh vực cho những bác sĩ kém y đức, thiếu trách nhiệm . Song đối với các bác sĩ chân chính, xã hội cần phải lên tiếng bảo vệ họ.
Và không nên đổ tất cả trách nhiệm lên đầu bác sĩ.
Bác sĩ Trần Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Việt Tiệp (Hài Phòng) cho biết, về vấn đề bác sĩ bị đe dọa, hành hung ở bệnh viện chúng tôi xảy ra thường xuyên. Hình thức nhiều nhất, thường xuyên nhất là bị người nhà bệnh nhân chửi bới, đe dọa. Có nhiều trường hợp cán bộ y - bác sĩ đã bị hành hung. Theo bác sĩ Thủy, trung bình mỗi tháng, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Việt - Tiệp đón tiếp, cứu chữa cho khoảng 3.500 lượt bệnh nhân. Mỗi ngày cũng phải đón từ 110 – 120 bệnh nhân, trong khi đó, cả khoa chỉ có 44 cán bộ y - bác sĩ nên cường độ làm việc rất căng. Nếu chia ca ra, lượt cán bộ bác sĩ trực sẽ ít hơn. Tuy nhiên, tại khoa, do diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất còn chưa được đầy đủ, người nhà nạn nhân ra vào quá nhiều, dẫn đến việc thăm khám chữa bệnh của bác sĩ bị hạn chế. Mỗi một người vào cấp cứu có tới vài người nhà đi kèm, gia đình đông có tới hàng chục nên tại khoa luôn trong tình trạng ồn ào. (Theo Lao động Online) |
- Trịnh Xuân Báu