Tôi nhìn thấy đằng sau những lời dối gian, những xảo thuật kiếm tiền của kẻ nghiện ma túy ấy là một bi kịch có thật.

TIN BÀI KHÁC


Bi kịch của một thanh niên vùng vẫy tuyệt vọng với cuộc đời không lối thoát; bi kịch của một con người bị cả xã hội ghét bỏ, xa lánh, bất cứ ai cũng có thể có quyền chửi bới, lăng mạ; bi kịch của một người không gia đình, không quê hương bản quán, bị trật ra ngoài lề xã hội bởi không có hộ khẩu. Tất cả chỉ vì ma túy…

Thương thay cũng một kiếp người

Nhớ lời hẹn sẽ tặng Bi cuốn sách ảnh có in hình em, gần một tuần sau tôi quay lại bến xe Niệm Nghĩa tìm Bi. Lần này, nắm được “lịch” của Bi nên tôi đến thẳng quán nước của chị Hà.

Một lát thì Bi xuất hiện với bộ dạng còn tàn tạ hơn lần tôi gặp em trước đó. Vừa chào tôi em đã hỏi ngay: “Chị có mang tờ báo cho em không?”. Tôi rút cuốn sách, trân trọng trao cho em, nghĩ em sẽ hào hứng và nâng niu lắm.



Cuộc đời Bi qua những trang ảnh của nhiếp ảnh gia
Em ngồi trên ghế băng quán nước xem sách nhưng cái lưng rạp xuống như sắp gãy, cái đầu nghiêng ngả đổ gục, đôi mắt lim dim, gà gật, chốc chốc lại như người vừa ngủ gật choàng tỉnh dậy, tay vẫn đặt trên trang sách có kể câu chuyện cuộc đời em bằng những tấm ảnh.

Một anh lơ xe chạy tuyến Hải Phòng - Thái Nguyên cũng ngồi uống nước ở đó nhìn Bi lắc đầu: “Thằng này hai năm nữa là ngồi trên nóc tủ thôi”.

Một lát thấy em tỉnh lại, tôi hỏi chuyện: Đang “phê” đấy à? - Vâng, em vừa “chơi” xong – Từ sáng đến giờ kiếm được bao nhiêu rồi? - Hơn trăm – Cũng nhiều đấy chứ - Hì, hết rồi.

Lật qua những trang sách, Bi đưa cho “các bạn” cùng xem rồi nói tôi cứ ngồi đây đợi, em phải lên hát đã, có một xe sắp xuất bến. Cứ như vậy, tôi ngồi đợi Bi “làm việc” và nghe “các bạn” của Bi bình phẩm, có người còn tị nạnh vì “Thằng Bi được lên báo”. Nghe mà chua xót.

Làm việc xong, Bi trở lại quán nước. Vừa lúc đó ông Tổ trưởng tổ bốc xếp cũng đang xem bức ảnh người ta chụp Bi hơn một năm trước. Rồi đột nhiên như bị ong đốt, ông ta nhảy dựng lên, phồng mang trợn mắt dội vào Bi những lời chửi bới, thóa mạ và dọa dẫm: “Đánh cho mày chết bây giờ. Tống cổ mày khỏi đây bây giờ”.

Thì ra Bi đã “can tội dám đứng trước tổ bốc xếp để chụp ảnh làm mang tiếng chúng ông, hóa ra tổ bốc xếp chúng ông là nghiện à?”. Mặc kệ ông tổ trưởng tha hồ thóa mạ, dọa dẫm, có lúc tưởng như muốn nhảy ngay vào Bi mà đánh, Bi chỉ lầm lũi cúi mặt đầy cam chịu, không nói một lời.

Tôi chết lặng trước nỗi oan ức “tày trời” của em. Tôi chỉ muốn xông đến trước mặt lão tổ trưởng mà thanh minh cho Bi rằng đó không phải là lỗi của Bi, chỉ là người chụp ảnh đã lựa chọn khoảnh khắc đó và điều này cũng sẽ chẳng gây ra sự hiểu nhầm tai hại nào cho tổ bảo vệ của ông như ông nghĩ. Nhưng tôi chỉ im lặng trước sự hóa đá của Bi.

Rồi em rủ tôi đi ăn trưa. Em sốt sắng mang giúp tôi cái ba lô còn to hơn người em và dẫn tôi vào quán cơm trong bến xe. Vừa bước vào quán, chị chủ quán còn trẻ và khá xinh đã “hắt” vào mặt Bi một tràng dài những câu chửi bới vì tội em đã “ăn vạ” cái túi quần áo mà em đã kín đáo giấu tận dưới gậm bàn trong góc bếp của chị: “Mày mà không mang ngay cái túi đó đi chỗ khác là tao vứt đi đấy”.

Chị thả sức chửi bới, dọa nạt dù em đang là khách hàng của chị. Có lẽ vì đã quá quen với việc bị chửi bới, dọa nạt nên Bi, dù có ngại với tôi cũng vẫn cứ nhẫn nhịn đứng trước mặt chị chủ quán, hứng chịu tất cả để gọi món ăn. Nhưng chị chủ quán cũng chẳng vì cái sự nhẫn nhịn, ngoan ngoãn của em mà nhân nhượng, chị vẫn tiếp tục xua đuổi: “Mày cứ tránh xa ra, gọi món gì tao sẽ cho người mang ra”.


Bi dặt dẹo như chính cuộc đời của mình
Chứng kiến cái cảnh ấy, tôi thấy lòng dâng lên nỗi chua xót vô hạn cho phận bé mọn đến tội nghiệp của em. Còn em thì vẫn cứ lầm lũi đứng đó đầy cam chịu, cẩn thận hỏi giá tiền trước khi gọi một con cá sốt và một bát canh chua lõng bõng mấy cọng hành. Thức ăn được mang ra, Bi chăm chú ăn, chốc chốc lại quay sang xin lỗi vì làm vãi những hạt cơm hay gắp rơi thức ăn. Nhìn cảnh ăn uống nhếch nhác đến tội nghiệp của một chàng trai đã 20 tuổi mà tôi thấy lòng nghẹn đắng.

Một ông lão chừng hơn 60 tuổi ngồi uống rượu với một đĩa lòng lợn ở bàn bên cạnh, nãy giờ vẫn ngồi quan sát chúng tôi, khi được Bi giới thiệu tôi là “chị nhà báo” thì ông không giấu cái cười nhạo: “Chắc là mới ra trường, đi thực tập, còn ngây thơ nên bị lừa”. Tôi không bực bội trước những lời ông già vừa phán xét về mình, nhưng có thoáng buồn. Cũng là một con người, nhưng có những người sinh ra để nhận sự ghẻ lạnh, hoài nghi, đề phòng và khinh ghét của đồng loại, như Bi.

Vĩ thanh…

Chia tay Bi, tôi trở về mà lòng nặng trĩu với câu chuyện về cuộc đời vô vọng của một chàng trai nghiện ma túy sắp được “lên ngồi nóc tủ” mà không thể viết. Tôi lẫn lữa, định để câu chuyện đó cho riêng mình.

Bẵng đi một thời gian, một ngày tôi gặp một người bạn người Hải Phòng. Biết nhà bạn gần bến xe Niệm Nghĩa, tôi mới khoe vừa xuống đó tìm hiểu về một cậu bé nghiện ma túy sống ở bến xe này. Không đợi tôi kể tiếp, người bạn nọ đã nói ngay: “Cái thằng hát rong xin tiền trên xe chứ gì?”. Thấy tôi ngạc nhiên, bạn giải thích: “Nhà tôi cách bến xe Niệm Nghĩa 400m, tôi lạ gì thằng này. Một lần tôi đã đánh nó một trận thừa sống thiếu chết”.


Nhiều người ghen tỵ với Bi vì cậu được lên báo, nhưng có ai biết được đằng sau câu chuyện của Bi là một tấn bi kịch
Nghe đến đây tôi lại ngạc nhiên hơn nữa. Rồi tôi được bạn cho biết, một lần có việc đi xa, xe chuẩn bị lăn bánh thì Bi lên hát xin tiền. Biết Bi xin tiền để chơi ma túy nên bạn không cho và gục xuống ngủ tiếp. Tưởng bạn đã ngủ nên Bi thò tay móc ví của bạn nhưng bị bạn phát hiện và đánh cho một trận tơi bời. “Nói chung những gì nó nói thì chỉ tin được 1% thôi” – Bạn tôi cảnh báo.

…Em không ăn cắp, ai nhờ gì thì em làm, em hát xin tiền thôi… Em không văn vở đâu, văn vở thì người ta ghét, làm sao mà tồn tại được… ”. Những lời Bi kể chuyện hôm nào lại văng vẳng bên tai. Rồi lời của ông già ở quán cơm hôm nào. Tôi thấy lòng tê tái.

Không phải vì nỗi thất vọng khi bị em lừa dối. Không phải vì lòng tin và tình yêu thương chân thành mà tôi dành cho em đã bị phản bội bởi một con nghiện ma túy đã quá quen với sự dối trá. Tôi không “ngây thơ” đến độ tin tất cả những câu chuyện rất mùi mẫn. Tôi xót xa vì một lẽ khác...

Dù thật, giả như thế nào đi nữa. Bi vẫn là một kẻ nghiện ma túy, bị sự ruồng bỏ của cả một xã hội với nỗi đau quằn quại và một khát vọng sống điên cuồng.


Bởi tôi không nhìn những lời nói dối ấy là một sự phản bội lại lòng tin của tôi hay lòng tốt của bao khách thập phương gần chục năm qua đã thương cảm mà nhường cơm sẻ áo cho em.

Tôi chỉ nhìn thấy đằng sau những lời dối gian, những xảo thuật kiếm tiền của một kẻ nghiện ma túy ấy là một bi kịch có thật, bi kịch của một thanh niên vùng vẫy tuyệt vọng với cuộc đời không lối thoát; bi kịch của một con người bị cả xã hội ghét bỏ, xa lánh, bất cứ ai cũng có thể có quyền chửi bới, lăng mạ; bi kịch của một người không gia đình, không quê hương bản quán, bị trật ra ngoài lề xã hội bởi không có hộ khẩu. Tất cả chỉ vì ma túy...

Một cuộc đời 20 cái xuân xanh chỉ quằn quại trong ma túy. Đối mặt với ma túy ư? Tôi tự hỏi trong cái thân hình xiêu vẹo, dúm dó, tàn kiệt của Bi còn có gì để giúp em đối mặt với cái thứ chết trắng có sức hủy diệt ghê gớm kia, khi em chỉ hoàn toàn đơn độc(?!)


(Theo VTC News)