Xảy ra cách đây 23 năm, thảm họa hạt nhân tại "thành phố vô hình" Tomsk-7 của Liên Xô được đánh giá là tồi tệ nhất nước này chỉ sau vụ Chernobyl và Kyshtym.
Tomsk-7: "Thành phố vô hình" của Liên Xô
Tomsk-7, ngày nay có tên là Seversk, là thành phố thuộc Siberia, cách thủ đô Moscow (Nga) 3.000 km về phía Đông.
Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh (xảy ra chủ yếu giữa Liên Xô và Mỹ, từ năm 1947 đến 1991), người ta không hề biết đến sự tồn tại của thành phố Tomsk-7 này.
Không một ai biết đến cái tên Tomsk-7, ngay cả trên bản đồ nó cũng bị che mờ. Đơn giản là vì, thành phố bí ẩn này thực hiện một sứ mệnh quan trọng: Tái chế nhiên liệu hạt nhân mật.
Các công nhân trong thành phố (với số dân khoảng 107.000 người này) đa phần làm việc trong Khu tổ hợp Hóa học Siberia (SCC) với mục đích tái chế Uranium và Plutonium từ nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng, phục vụ cho Chương trình Vũ khí hạt nhân của Liên Xô.
Vị trí Khu tổ hợp Hóa học Siberia (SCC) (màu vàng) trên bản đồ. |
Các nhà máy tái chế nhiên liệu hạt nhân tại SCC. |
Ngoài Tomsk-7, nhiều thành phố khác như Arzamas-16, Krasnoyarsk-26 cũng bị chính phủ Liên Xô che giấu nhằm mục đích sản xuất nhiên liệu hạt nhân cấp vũ khí, phục vụ cho chương trình chạy đua vũ khí với Mỹ suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Phải đến năm 1986, công chúng mới biết tới sự tồn tại của các thành phố này. Bên cạnh việc "hành tung" của Tomsk-7 bị che giấu, rất nhiều sự cố hạt nhân tại SCC bị giấu nhẹm nhằm tránh làn sóng dư luận, truyền thông cũng như con mắt dòm ngó của Mỹ.
Sự cố hạt nhân tồi tệ bậc nhất của Nga
Theo hồ sơ, tại Khu tổ hợp Hóa học Siberia đã xảy ra nhiều sự cố hạt nhân nghiêm trọng, trong đó sự cố hạt nhân xảy ra ngày 6/4/1993 gây hệ lụy về con người và môi trường tồi tệ nhất của Nga, chỉ sau thảm họa Chernobyl và tai nạn Kyshtym tại Mayak (Nga).
Mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn lớn tới mức, tạp chí Time (Mỹ) phải đưa nó vào danh sách một trong những thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới.
Và chỉ sau khi sự cố khủng khiếp này xảy ra, người ta mới biết rõ về Tomsk-7 và những bê bối liên quan đến các vụ rò rỉ chất phóng xạ ra ngoài môi trường, mà trước đó, không có bất cứ cảnh báo chính thức nào cho người dân từ SCC.
Sự cố xảy ra như thế nào?
Vào ngày 6/4/1993, công nhân của SCC đưa dung dịch axit nitric (HNO3) vào trong bể ngầm có tên Object 15 để tách plutonium khỏi nhiên liệu hạt nhân được đã sử dụng.
Khi đó, Object 15 chứa khoảng 8.700kg Uranium và 450gram Plutonium. Khí nén được bơm vào bể để đảm bảo rằng axit nitric và nhiên liệu được sử dụng có thể trộn lẫn vào nhau.
Tuy nhiên, các công nhân đã không bơm đủ khí nén vào trong bể khiến dung dịch này nằm cố định trên các lớp bên trong bể chứa thay vì hòa lẫn vào với nhau.
Các phản ứng hóa học trong lớp axit nitric khiến nhiệt độ và áp suất bên trong bể tăng lên. Object 15 được xây dựng để chịu được áp suất 12 atm (atmôtphe). Và khi áp suất lên 18 atm, bể chứa phát nổ.
Chỉ ít phút sau khi nổ, một đám mây phóng xạ khổng lồ bao trùm khắp không gian, gây ảnh hưởng đến những vùng xung quanh SCC trong khoảng 120 km2.
Hình đám mây khổng lồ bao trùm một vùng không gian rộng lớn. Hình minh họa. |
Các chất phóng xạ tiếp tục rơi xuống như tuyết trong vài ngày tiếp theo khiến một số khu vực bị nhiễm phóng xạ gấp 100 lần bình thường.
Đất trong các khu vực bị ảnh hưởng đã tăng Cesium-137 và Plutonium với mức độ đáng kể trong một vài năm sau đó.
Sự cố này khiến SCC không thể làm gì được, bởi chính nó cũng đã bị nhiễm chất phóng xạ nghiêm trọng vì một lượng lớn chất thải hạt nhân vẫn được lưu trữ ở đó.
Được biết, nhà máy này có khoảng 30 vụ tai nạn lớn trong quá trình hoạt động của nó. Dân số của Tomsk-7 đã phải sống chung với chất phóng xạ trong một thời gian rất dài.
Những hệ lụy về sức khỏe và môi trường
Sau vụ nổ khổng lồ này, hai ngôi làng Georgiyevka và Nadezhda (thuộc Tomsk-7) là những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Chỉ vài ngày sau sự cố, những cơn "mưa tuyết" phóng xạ liên tiếp rơi xuống, bao phủ khắp không gian với mức độ nhiễm xạ lên tới 30 µGy/h (gần gấp 100 lần mức độ nhiễm xạ thông thường).
Những đám mây phóng xạ khổng lồ này có thể tồn tại trong không khí hàng chục năm mà không phân rã. Đó là chưa kể đến việc, bụi phóng xạ có thể bám vào tóc, da, quần áo con người, gây nên những hệ lụy cực kỳ kinh khủng.
Tùy thuộc vào lượng phóng xạ mà con người có phải nhận cái chết ngay lập tức hay phải trải qua những căn bệnh đầy đau đớn như ung thư máu, ung thư phổi, ung thư da...
Hình ảnh bầu không khí nhiễm chất phóng xạ chụp từ vệ tinh. |
Không chỉ gây nhiễm xạ trong không khí, đất đai tại các nơi đây bị thấm đẫm những đồng vị phóng xạ tồn tại lâu năm như Cesium-137 và Strontium-90.
Theo các chuyên gia y tế, Cesium-137 có thể gây ra các khối u rắn và các khuyết tật di truyền ở thế hệ sau khi cha mẹ hít hoặc nuốt phải qua thực phẩm và nước uống, trong khi Strontium-90 là một nguyên nhân gây nên bệnh bạch cầu.
Do vụ nổ gây tác hại nghiêm trọng đến con người và môi sinh nên dư luận trong nước và sau này là các quốc gia khác mới biết rõ hơn về Tomsk-7 cũng như những bí mật "đen tối" của SCC.
Với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài, người ta đã thu thập được khoảng 577g chất Plutonium từ các khu vực xung quanh Tomsk-7. Trong khi, bể ngầm trước khi nổ chỉ chứa 450g Plutonium.
Vậy số Plutonium dư (127 Plutonium) ở đâu ra?
Câu trả lời là, trong quá trình hoạt động, SCC đã gây rò rỉ một lượng chất phóng xạ ra ngoài môi trường mà không hề có bất cứ báo cáo và cảnh báo chính thức nào.
Các thảm họa hạt nhân luôn gây những hệ lụy kinh khủng cho con người và môi trường. Hình minh họa. |
Thậm chí, vài tháng sau vụ nổ, các mẫu đất thu được cho thấy mức tăng của các đồng vị phóng xạ như Plutonium, Uranium, Zirconi, Ruthenium, Xeri, Niobi và Antimon vẫn cao.
Theo Bellona Foundation, một tổ chức môi trường phi chính phủ của Na Uy thì, khoảng 30 sự cố hạt nhân nghiêm trọng đã xảy ra tại các cơ sở hạt nhân Tomsk-7, gây rò rỉ khoảng 10g chất plutonium vào môi trường mỗi năm!
8 năm sau sự cố hạt nhân
Vào năm 2001, 8 năm sau ngày xảy ra sự cố, tòa án tại Tomsk-7 xử lý vụ kiện của cư dân làng bị ô nhiễm Georgievka đối với Khu tổ hợp Hóa học Siberia (SCC). Cuối cùng, SCC phải trả cho mỗi nguyên đơn số tiền đền bù là 860 USD.
Vào năm 2008, người ta tiếp tục thu được những mẫu đất và nước có đồng vị phóng xạ Plutonium và Cesium-137 cao. Điều này cho thấy khu vực Tomsk-7 tiếp tục bị rò rỉ nặng nề.
Kết quả, vào tháng 6/2008, một số lò phản ứng tại Tomsk-7 đã bị đóng cửa sau thỏa thuận năm 2003 giữa Nga và Mỹ liên quan đến việc loại bỏ sản xuất Plutonium ở cấp độ vũ khí.
Theo Trí thức trẻ
XEM THÊM CÁC TIN CÔNG NGHỆ MỚI NHẤT: