Không ít các bé 4-5 tuổi vẫn còn phải người lớn xúc cơm hộ. Vậy mà Hà My 2 tuổi đã có thể tự xúc ăn ngon lành rồi. Mẹ Hà My có bí quyết gì hay vậy?
Đến bữa ăn, Hà My luôn tự xúc ăn, không bao giờ mè nheo bố mẹ hay ông bà xúc cho. Mẹ cũng chưa bao giờ phải đưa My đi ăn rong cả. Mọi người ngạc nhiên, cứ khen My khéo, khen mẹ may mắn có đứa con ngoan. Mẹ thì nghĩ rằng sự khéo và ngoan của trẻ nhỏ là do rất nhiều công sức tạo dựng.
Trước khi dùng thìa, cứ để bé... ăn bốc
My dùng thìa thành thạo rồi nhưng ít ai biết rằng chỉ vài tháng trước đó, mỗi bữa ăn của My đều là những bữa “làm hề” vì My chỉ toàn quen ăn bốc. Mẹ không hề ngăn cản, vì mẹ đã từng đọc những tài liệu phổ biến rằng việc tiếp xúc bằng đầu ngón tay với các món ăn, cảm nhận được sự cứng, mềm, nóng, lạnh… sẽ giúp cho trí não trẻ phát triển tốt hơn nhiều việc bị mẹ xúc và ép ăn từng bữa. Nên mẹ luôn rửa tay thật sạch cho My, chế biến những món ăn có dạng hình khối để My thoải mái ngồi và bốc ăn. Mẹ may mắn được cả nhà ủng hộ, vì ai cũng vui khi thấy My “làm hề”, My cũng không hề bị thiếu cân. My ăn xong, bố tranh thủ dọn mâm, còn mẹ khẩn trương lau rửa cho My sạch sẽ, không làm phiền đến ông bà, không làm ông bà khó chịu vì cảm giác mất vệ sinh.
Bé My luôn tự xúc ăn |
Khi 16 tháng, My bỗng dưng chán bốc, vậy là mẹ lấy thìa và dĩa ra để hướng dẫn My tập xúc ăn. Có lẽ việc thoải mái bốc bằng tay khiến My không còn tò mò với hoạt động này, và tự khắc dừng lại khi đã thoải mái với những giác quan của mình.
Biếng ăn cũng là việc bình thường!
Tham gia vào một số diễn đàn nuôi dạy con, mẹ thấy rất nhiều bà mẹ kêu ca con mình lười ăn, đếm từng bữa, từng ngày để ép con ăn vì sợ con đói hay thiếu chất. Mẹ thì nghĩ đơn giản rằng trẻ con cũng như người lớn, cũng có nhu cầu ăn uống ít nhiều tùy vào thời điểm khác nhau. Trong các tài liệu mẹ đọc, thời kỳ đó được tạm gọi đó là thời kỳ “biếng ăn sinh lý”, nghĩa là My đủ năng lượng cho hoạt động của mình rồi, nên không cần nạp thêm.
Biết vậy nên thỉnh thoảng, My không chịu ăn, mẹ cũng không ép. Chỉ hỏi My có ăn nữa không, My bảo “không”, vậy là mẹ cất đồ ăn đi, cho My uống sữa hoặc hoa quả theo nhu cầu. Nhưng “cao thủ” hơn, đôi lần, ỷ lại, My tuy không chán ăn nhưng cũng “mặc cả” với mẹ bằng cách đòi đi chơi, đòi mẹ mang đĩa thức ăn ra sân xem ô tô chạy mới chịu bốc ăn. Tất nhiên là mẹ không chiều theo My rồi! Mẹ sẽ cất ngay đĩa thức ăn đi, đến khi nào My thấy đói, vui lòng đồng ý để mẹ rửa tay thật sạch và lại ngồi vào ghế ăn.
Coi việc sử dụng thìa, dĩa như một trò chơi
Trẻ chỉ có thể sử dụng thìa/dĩa thành thạo khi trẻ thật sự có hứng thú với những đồ vật ấy. Từ khi còn bé, mẹ đã để 1 thìa nhựa, 1 dĩa nhựa, 1 bát nhựa vào bộ đồ chơi của My. Ngay từ những ngày đầu tiên My hình thành phản xạ nắm đồ chơi, mẹ đã đưa thìa nhựa cho My cầm, để My quen tay. Mẹ còn dạy My “múc, múc”, dạy My đưa bát nhựa giải vờ như “húp canh”…
My rất khoái những trò chơi ấy nên ngay từ 6 tháng đã hiểu ý mẹ khi mẹ hỏi “Húp canh thế nào My ơi”/ “múc cơm như thế nào”… My hiểu rồi, mẹ lại tập cho My ngồi, ban đầu thì dựa chăn, về sau ngồi vững, một mình My “độc chiếm” một ghế con, một bàn nhỏ, mẹ cho chút sữa chua, chút bột quấy mềm, và 7,8 tháng My đã tạm bắt chước được những động tác đơn giản với chút thức ăn của mình rồi. Chơi 1 chút thôi, khi nào My chán dùng thìa, mẹ lại vui vẻ cho My ngồi bốc.
Nhiều mẹ “đe dọa” con sẽ suy dinh dưỡng nếu không được xúc và ép ăn, nhưng mẹ đã tham khảo và biết được rằng dưới 1 tuổi sữa vẫn đảm bảo đủ nhu cầu cơ bản của My, nên mẹ không ép. My uống nhiều sữa lắm, dưới 1 tuổi mẹ để My uống sữa thoải mái (vì tự xúc và ăn bốc đâu có đáng kể gì đâu, đói meo à), mỗi ngày tổng lượng sữa em ăn là khoảng 1 lít, cả sữa công thức kèm sữa mẹ. Đến ngoài 1 tuổi, em bốc khéo tay hơn, mẹ chỉ để em ăn 500ml sữa mỗi ngày thôi, vẫn khuyến khích em xúc thìa kết hợp cho em bốc. Kết quả là My vận động tốt, rất tự giác ngồi ăn, và tuy không to béo nhưng chưa hề bị thiếu cân bao giờ.
Đôi lúc, có người hỏi mẹ cách hướng dẫn cho My dùng thìa, mẹ chia sẻ bí quyết của My vì mong các em bé khác cũng có kết quả tương tự, nhưng mẹ hay được nghe bình luận: “chẳng qua là chị sinh được đứa con ngoan, chứ như con em thì…” hoặc “em không thể thuyết phục được ông bà/giúp việc…”. Tệ hơn, có người lại đánh con, quát mắng khi con không tự giác ngồi ăn. Mẹ My nghe mà cảm thấy buồn lòng, vì trong tất cả mọi việc, nhất là việc rèn con, nếu không có sự kiên trì kết hợp với yêu thương trong khuôn khổ, thì không thể nào thành công.
(Theo Đẹp).