Ở xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, không ai không biết đến gia đình chị Phan Thị Minh Hợp bởi đây là một trong những điển hình gương mẫu về gia đình trẻ hạnh phúc, hiếu học ở xã.
Người phụ nữ này cho biết để giữ lửa ấm trong gia đình, vợ chồng anh chị luôn tôn trọng nguyên tắc chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi việc, yêu thương và vun vén cho tổ ấm nhỏ để làm gương cho các con. Đồng thời, luôn giữ kỷ luật, nguyên tắc trong việc dạy con và hình thành những thói quen tốt cho các con, hạn chế để các thiết bị điện tử thông minh như điện thoại, tivi làm ảnh hưởng đến nếp sống của gia đình.
Mới đây, ngôi nhà nhỏ thêm hạnh phúc khi được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa tiêu biểu 5 năm liền.
Cũng nhận Bằng khen của UBND tỉnh và nhiều năm liền được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu, gia đình ông Lò Ngọc Lú (ở bản Nà Lè, xã Tường Phù, huyện Phù Yên) đang duy trì 4 thế hệ cùng chung sống.
Vợ chồng ông luôn gương mẫu, hòa thuận để giữ gìn không khí đầm ấm, cùng chăm sóc bố mẹ già tận tình, bảo ban con cháu. Cả 4 người con của ông Lú đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định, các cháu được học hành đầy đủ. Các thành viên đều nỗ lực sản xuất để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ là một trong những tiêu chuẩn để công nhận gia đình văn hóa. Những tiêu chuẩn này được xây dựng trên nền tảng giá trị truyền thống trong gia đình Việt Nam, là điều kiện cốt lõi để hình thành nên gia đình hạnh phúc, góp phần hình thành xã hội công bằng, văn minh.
Giá trị truyền thống của gia đình bao gồm những chuẩn mực đạo đức, tâm lý tình cảm, hành vi ứng xử được các gia đình gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ và được mỗi thành viên, tiếp thu, vận dụng vào cuộc sống.
Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp trong gia đình, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương ở Sơn La tổ chức nhiều hoạt động nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm về việc xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa. Từ đó, tạo nên các phong trào thi đua sôi nổi, cổ vũ và khuyến khích mỗi gia đình nỗ lực trong xây dựng mái ấm hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc. Không ít gia đình tiêu biểu trong các phong trào thi đua đã được các cấp biểu dương, là tấm gương để cộng đồng noi theo.
Cũng nhờ phát huy giá trị truyền thống, phong trào xây dựng gia đình văn hóa tại Sơn La luôn được triển khai với những hoạt động hướng đến ý nghĩa thiết thực, nâng cao giá trị của gia đình, hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ, hiện đại.
Cùng với đó, tỉnh đã triển khai đồng bộ các phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “gia đình hiếu học”, “gia đình làm kinh tế giỏi”, “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “gia đình nhiều thế hệ chung sống hòa thuận hạnh phúc”, “gia đình điển hình trong xây dựng nông thôn mới”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” và khuyến khích thành lập các câu lạc bộ “Mẹ chồng nàng dâu”, gia đình “5 không, 3 sạch”...
Trong năm 2023, Sơn La đã thực hiện các chính sách ưu tiên việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế.
Nhờ đó, phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh đã lan tỏa sâu rộng. Hằng năm, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa đều từ 70% trở lên. Giai đoạn 2018-2022, toàn tỉnh có 45,3% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu 5 năm liên tục.
Năm 2023, toàn tỉnh có 223.665/294.718 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 75,9% (tăng 1,9% so với năm 2022). Toàn tỉnh có 1.596/2.247 bản, tổ dân phố đạt bản, tổ dân phố văn hóa, đạt 71% (tăng 6,1% so với năm 2022).