Không ít người vợ sau một quãng đường hôn nhân mệt mỏi đã chua chát nhận ra “chồng tôi thay đổi quá nhiều so với trước khi cưới, giờ anh ấy như một người khác” hay “tình chỉ đẹp khi còn dang dở…”.

Hôn nhân chưa bao giờ và không bao giờ là mồ chôn của tình yêu nếu ngay từ đầu, vợ chồng biết cách giữ “lửa” và từng ngày, từng giờ nhóm thổi “bếp” hạnh phúc. Không có công thức chung cho việc giữ “lửa”, nhưng một vài bí quyết mà bà Lý Thị Mai - Giám đốc Công ty Tâm lý học ứng dụng TP.HCM - chia sẻ, có thể giúp người phụ nữ hiện đại giữ ấm gia đình của mình.

Làm con cho tốt

Khi theo chồng về “dinh”, các cô dâu trẻ đã là con của họ tộc mới, không thể lơ là vai trò làm con của mình. Đó vừa là bổn phận, vừa là quyền lợi của người vợ vì người chồng sẽ yêu quý và tự hào khi vợ hiếu đễ với cha mẹ mình. Hơn nữa, tình thương của gia đình chồng chính là thành trì vững chãi bao bọc, chống chọi lại những sóng gió có thể ập đến với gia đình nhỏ của mình. Dù bận rộn thế nào, con dâu cũng cần quan tâm, chăm sóc cha mẹ. Trường hợp ở xa, nên thường xuyên thu xếp về thăm hoặc gọi điện thoại hỏi han, vấn an cha mẹ để thắt chặt tình thâm. Người phụ nữ càng hiện đại càng phải ý thức được ai đã tạo ra, nuôi dạy người đàn ông mà mình chọn gửi gắm cuộc đời. Giữa nàng dâu và nhà chồng có thể có những mâu thuẫn, nhưng nếu nàng dâu xác định mình là con và biết cách suy nghĩ tích cực thì sẽ dần hóa giải được mọi chuyện.

Đừng biến nhà mình thành “chảo lửa”

{keywords}

Sáng sớm, với những món điểm tâm thơm ngon được nêm nếm bằng chính trái tim yêu thương, người vợ như tiếp năng lượng cho các thành viên trong gia đình để bắt đầu một ngày bình yên và thành công. Bữa cơm gia đình không chỉ để giải quyết khâu “đói” mà đó là cơ hội để cả nhà quây quần bên nhau chuyện trò, sẻ chia tâm sự. Nhiều cô vợ trẻ ngại vất vả, vin vào lý lẽ “giải phóng phụ nữ” đã tự miễn cho công việc nấu nướng; dần dần cái lạnh của bếp không chỉ ở bếp nữa… Ngược lại, người phụ nữ hiện đại vốn luôn tất bật với công việc xã hội, về nhà lại ôm đồm việc nội trợ, dễ quá tải, căng thẳng, cáu bẳn, giận cá chém thớt. Khi đó, gia đình lẽ ra là chốn bình yên lại trở thành “chảo lửa”.

“Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân”, người vợ cần biết phân công việc nhà hợp lý, khéo léo nhờ chồng cùng gánh vác và trân trọng cử chỉ đẹp ấy. Vợ vẫn vui cười, nhẹ nhàng động viên dù có khi chồng nấu cơm quên bật nút, để chảo chiên cháy khét... Nếu chủ động cắt đặt công việc, tổ chức cuộc sống hợp lý, vận động các thành viên khác cùng giữ “lửa” thì nội tướng sẽ không quá nặng gánh, gia đình lại thuận thảo, vui vầy.

Không thể tiền ai nấy biết

Ngày xưa, thu nhập gia đình rất cụ thể, có thể tính bằng số bao lúa, số trâu bò, hoa màu vừa thu hoạch. Ngày nay, thu nhập mỗi người được “bí mật hóa” trong chiếc thẻ ATM, mạnh ai nấy biết tiền của mình. Người chồng có khi giữ “quỹ đen”, không công khai trung thực hoặc chỉ nộp lương cứng khiến người vợ tin thì thiệt thòi mà không tin thì “chiến tranh” bùng nổ. Quan tâm, tôn trọng công việc của nhau; minh bạch chuyện tiền nong và thỏa thuận, bàn bạc thống nhất trong chi tiêu là cách để ổn định cuộc sống và làm giàu lòng tin ở nhau.

Đừng đẩy chồng “ra rìa”

Nhiều người vợ trẻ sinh con ra là quên chồng. Thiên thần tí hon là nhất, là nơi dồn hết mọi lo toan, chăm sóc, quan tâm của người mẹ trẻ. Vì thế, nhiều phụ nữ đã không còn dành cho chồng cử chỉ lãng mạn, nồng nàn; phớt lờ lạc thú tình dục, tránh né “giao ban”. Thiếu thốn tình cảm khiến chồng không vui, không thoải mái, luôn thèm khát và dễ bị các cô gái khác… “mượn tạm”. Người vợ không nên chủ quan với dấu hiệu lỗi nhịp trong đời sống gối chăn; phải kịp thời tìm hiểu, điều chỉnh, không buông xuôi, phó mặc theo kiểu được thì ở, không được thì thôi. Dù trẻ hay già; dù đầu giường là nến, là hoa, hay toàn thuốc men, máy đo huyết áp... cũng đừng quên dành cho bạn đời những cái ôm, những nụ hôn, những lời nói ngọt ngào, những cử chỉ chăm sóc, quan tâm vì đó là chất dinh dưỡng nuôi lớn tình nghĩa vợ chồng.

(Theo PNO)