Luôn coi trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đề ra nhiều giải pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu, Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương thu hút FDI lớn và hiệu quả nhất các tỉnh miền núi phía Bắc.

Những con số ấn tượng

Kể từ năm 1989 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được hơn 200 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 6,5 tỷ USD.

Với phương châm “đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ hợp tác”, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 120 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 6,4 tỷ USD; có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có hoạt động đầu tư.

Trong các quốc gia đang đầu tư vào Quảng Ninh, Mỹ đứng đầu với số vốn đăng ký 2,425 tỷ USD với 7 dự án, chiếm gần 40,4% tổng vốn đầu tư. Thứ 2 là Trung Quốc (Hồng Kông, Đài Loan) với tổng vốn đầu tư đăng ký 68 dự án với hơn 2,11 tỷ USD, chiếm 35% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các dự án khác được đăng ký bởi các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Canada, Hàn Quốc...

{keywords}
 

Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lĩnh vực: Du lịch, dịch vụ, khách sạn, công nghiệp, khai khoáng, sản xuất sợi, vật liệu xây dựng... Trong đó, lĩnh vực du lịch có 48 dự án FDI, tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD, chiếm 21% tổng vốn đầu tư đăng ký,

Bên cạnh đầu tư theo lĩnh vực, trong 30 năm qua, FDI theo địa bàn đầu tư cũng đã có nhiều khởi sắc. Hầu hết các dự án tập trung tại TP. Hạ Long với 57 dự án, tổng sổ vốn đầu tư hơn 1.550 triệu USD chiếm 25,8% tổng vốn.

Tiếp theo là TP Móng Cái có 19 dự án với trên 648,6 triệu USD, chiếm 10% tổng vốn... Còn lại là TP Cẩm Phả có 10 dự án, Đông Triều, Hải Hà, Quảng Yên, Đông Triều.... với 37 dự án FDI.

Những con số ấn tượng trên đã đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương thu hút FDI lớn và hiệu quả nhất các tỉnh miền núi phía Bắc.

Nhiều giải pháp đột phá

Theo đại diện tỉnh Quảng Ninh, để thu hút đầu tư, tỉnh đã không ngừng đổi mới mạnh mẽ cơ chế chính sách, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư,

Quảng Ninh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nghiên cứu, đánh giá lại môi trường, chính sách thu hút đầu tư. Tỉnh tích cực xây dựng nhiều đề án lớn với các giải pháp đột phá, tạo môi trường thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp đầu tư.

Năm 2012, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA Quảng Ninh). Đây là tổ chức chuyên trách trực thuộc UBND tỉnh làm công tác xúc tiến và hỗ trợ các nhà đầu tư. IPA Quảng Ninh hoạt động theo mô hình chuẩn quốc tế, với vai trò thực hiện chiến lược dài hạn trong quá trình chuyển đổi tập trung thu hút đầu tư.

Quảng Ninh đã xây dựng và ban hành một số chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, như: Chính sách hỗ trợ và ưu tiên đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ về vốn tín dụng…

Tỉnh cũng tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng kinh tế nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư. Việc kết nối đồng bộ từ tỉnh lộ, quốc lộ, đường cao tốc, cảng biển, sân bay, đã và đang tạo sức hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Quảng Ninh.

Tỉnh cũng đã sớm hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu xúc tiến đầu tư Quảng Ninh; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về xúc tiến đầu tư, chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm, hệ thống hóa và chuyên nghiệp hóa các ấn phẩm, tài liệu xúc tiến đầu tư theo chuẩn quốc tế...

Từ chỗ đứng top giữa về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và top cuối về chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh Par Index, đến nay Quảng Ninh đã vươn lên đứng đầu. Chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh cũng được xếp hạng nằm trong các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước, góp phần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Phát triển kinh tế bền vững

Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển, trong đó xác định thu hút vốn FDI có vai trò quan trọng. Tỉnh hướng tới phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - Doanh nghiệp - Người dân...

Theo đó, Quảng Ninh chú trọng thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường; khuyến khích và ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài vào những loại hình dịch vụ chất lượng cao; xây dựng hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như: TP Hạ Long, KKT Vân Đồn và Móng Cái... Tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ, coi du lịch, dịch vụ là mũi nhọn trong giai đoạn 2016-2020.

Quảng Ninh cũng sẽ đa dạng hoá các hình thức đầu tư để huy động và nâng tỷ trọng của vốn FDI vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, tiếp tục khuyến khích đầu tư theo hình thức BT, BOT, đồng thời chỉ đạo nghiên cứu và triển khai mô hình đầu tư hợp tác công tư (PPP). Xác định rõ địa bàn trọng điểm, đối tác, nhà đầu tư chiến lược trong giai đoạn sắp tới để xúc tiến đầu tư. Thị trường mục tiêu là các nước: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Châu Âu, Trung Đông.

M.M (tổng hợp)