- Ông Phạm Quang Nghị đánh giá sau 1 năm thực hiện nghị quyết TƯ 4, việc chạy chức quyền không dễ như trước, lấy phiếu tín nhiệm hàng năm thì làm sao đi xin phiếu được tất cả mọi người.
Bên hành lang hội nghị BCH Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 12 ngày 8/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trả lời phỏng vấn của báo giới.
Ông Phạm Quang Nghị cho hay:
Có thể đánh giá một cách khái quát, nhận thức của đại đa số cán bộ, đảng viên TP Hà Nội về tầm quan trọng của việc tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay được nâng lên một cách rõ rệt. Nghị quyết TƯ 4 chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm không thể coi thường, nó ảnh hưởng đến sinh mệnh sự tồn vong của chế độ, buộc chúng ta phải có biện pháp hết sức mạnh mẽ, chính xác để nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng.
Nhiệm vụ đang đặt ra trước toàn Đảng, toàn dân có thể nói trong giai đoạn này hết sức khó khăn. Kinh tế rất khó khăn, yếu kém trong nội bộ bộ máy của chúng là vấn đề trầm trọng. Điều quan trọng nhất là nâng cao phẩm chất, tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên nói chung, nhất là bộ phận đang yếu kém.
Qua 1 năm thực hiện nghị quyết TƯ 4, việc thực hiện tự phê bình và phê bình trong tập thể từng cấp ủy TP Hà Nội đã làm nghiêm túc, bài bản, sáng tạo, có những việc nghị quyết có chủ trương chưa làm đại trà nhưng Hà Nội đã làm trước, như việc chủ động lấy phiếu tín nhiệm với 20 đồng chí cán bộ chủ chốt của TP và lãnh đạo 7 sở ngành. Điều này một mặt động viên những cá nhân, tập thể tích cưc, đồng thời nhắc nhở cảnh báo với những người yếu kém, có khuyết điểm.
Đây là một trong những yếu tố quan trọng để lãnh đạo TP đánh giá chất lượng đội ngũ nói chung và đánh giá từng người nói riêng, thông qua phiếu như vậy rất rõ sự tín nhiệm mỗi người trước tập thể, công việc.
Làm sao xin phiếu được mọi người!
Hà Nội sẽ làm gì trước những khuyết điểm, sai lầm, đặc biệt đối với cán bộ để xảy ra sai phạm?
Tình trạng "chạy" trong nghị quyết TƯ 4 nói nhiều, là một trong những biểu hiện cụ thể của sự sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống. Không chỉ chạy chức mà còn chạy bằng cấp, chạy khen thưởng…
Để khắc phục, quan trọng nhất phải bắt đầu từ cơ chế, biện pháp chung để làm sao hạn chế mức thấp nhất để những người muốn chạy không thể chạy được. Đương nhiên phía lãnh đạo phải không để người ta chạy, mà phải để phấn đấu bằng năng lực, bằng chất lượng công việc.
Tôi cho rằng cơ chế là quan trọng, tiếp đến là ý thức của mỗi người. Còn những ai vi phạm phải xử lý thật nghiêm minh, nếu phát hiện ra TP không loại trừ bất kỳ trường hợp nào.
Trong thời gian vừa qua, một trong những chuyển biến rõ nét những người sống trong bộ máy thấy là chạy chức, chạy quyền giảm một cách rõ rệt, khó chạy chứ không dễ như trước. Đánh giá lấy phiếu tín nhiệm tới đây sẽ làm hàng năm, cái này chạy khó lắm, làm sao anh đi xin phiếu được tất cả mọi người! Một tập thể đông đánh giá sẽ khách quan hơn.
Kết quả vừa rồi việc đánh giá cán bộ dư luận cho là khách quan, ai làm tốt đều được đánh giá cao, ai kém bị đánh giá thấp. Đây là căn cứ quan trọng để người bị đánh giá thấp nay mai chạy khó lắm. Có lãnh đạo nào dám bổ nhiệm người có tín nhiệm thấp, tại sao lại để ông tín nhiệm thấp là lãnh đạo. Đây là những biện pháp rất dân chủ, tính giám sát rất cao.
Nhiều cán bộ bị hạ chức, thôi chức
Hà Nội có biện pháp mạnh hơn trong sửa chữa khuyết điểm, sai lầm của đội ngũ cán bộ?
Vừa rồi trong quản lý về trật tự xây dựng, nhiều cán bộ trong lĩnh vực thanh tra xây dựng và chính quyền các cấp bị xử lý kỷ luật ở quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Sở Xây dựng... Người bị hạ chức, thôi chức, cảnh cáo, khiển trách rất nhiều.
Quy mô, khối lượng công việc của Hà Nội lớn hơn rất nhiều so với tỉnh thành khác. Ví dụ Hà Nội 1 năm thu ngân sách 146 nghìn tỉ đồng, khối lượng công việc, quy mô quản lý các DN lớn hơn hàng trăm lần so với tỉnh thu ngân sách 5-6 nghìn tỉ.
Văn bản, cơ chế chính sách của ta vừa nhiều, chồng chéo vừa hay thay đổi, cán bộ còn lúng túng trong thực thi công vụ nếu không dám chịu trách nhiệm, không dám ghé vai gánh vác với DN, người dân cứ phải chờ làm đúng, chờ hướng dẫn, chờ khớp nối, đồng thuận mọi cơ quan dẫn đến chậm.
Từ cái chậm này ông DN muốn cho nhanh thì tìm cách bôi trơn, bôi không phải ai cũng được, 10 người tham gia 1 dự án, 1 người thắng thầu thì 9 ông bôi không trơn phẫn nộ.
Về chủ quan, không thể né tránh được ý thức tinh thần trách nhiệm, tiêu cực nhũng nhiễu càng làm trầm trọng nhiều vấn đề, giờ phải sửa đồng bộ, không thể duy ý chí. Sửa từng nơi, từng người, cá nhân nào, tập thể, địa chỉ nào vi phạm nghiêm trọng bị xử lý trước.
H.Anh ghi