- Bí thư Đinh La Thăng ra “tối hậu thư” yêu cầu nhà đầu tư rút ngắn thời gian thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng từ 36 tháng xuống 22 tháng.
Chiều 4/2, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cùng lãnh đạo TP có buổi khảo sát công trình thi công dự án giải quyết ngập do triều cường có xét tới yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1. Đây là dự án giải quyết tình trạng ngập nước cho 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và khu trung tâm với tổng chi phí 10.000 tỷ đồng.
Bí thư Đinh La Thăng, lãnh đạo UBND TP khảo sát thi công dự án giải quyết ngập do triều cường chiều 4/2 |
Tại buổi khảo sát, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng, đây là công trình vốn lớn và thi công trong điều kiện địa hình phức tạp, chủ đầu tư cần phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công nhân.
Bí thư Thăng cho rằng cái khó của dự án là giải phóng mặt bằng đã xong. Bên cạnh đó, vốn cũng được Thủ tướng và các bộ ngành giải quyết.
“Nhà đầu tư cần rà soát lại để rút ngắn tiến độ thi công, phải hoàn thành dự án sớm hơn dự kiến, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo chất lượng công trình”, ông Thăng nói và cho biết sẽ lấy cột mốc ngày hoàn thành là lễ 30/4/2018 để theo dõi.
Người đứng đầu Thành ủy TP HCM cũng yêu cầu UBND TP phải họp giao ban với nhà đầu tư và các sở ngành ít nhất mỗi tháng một lần để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
“Các sở ngành và đơn vị liên quan nghiên cứu kết nối 2 dự án chống ngập do triều cường và các dự án do Trung tâm chống ngập làm chủ đầu tư để nâng cao hiệu quả của các dự án”, ông Thăng yêu cầu.
Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo tăng cường giám sát dự án giải quyết ngập do triều cường với tổng kinh phí gần 10.000 tỷ đồng |
Bí thư Thành ủy TP HCM cũng chỉ đạo phải tăng cường giám sát dự án cũng như tạo cơ chế giám sát của nhân dân trong vùng dự án, phải có số điện thoại tiếp thu ý kiến của người dân. Đồng thời, kết hợp trồng cây xanh để tăng thêm diện tích xanh cho thành phố.
“Sở GTVT phải kết hợp điều tiết giao thông trên bộ và dưới sông trong quá trình thi công dự án để đảm bảo việc đi lại của người dân và doanh nghiệp. Tranh thủ làm thêm cầu bên trên cống. Nếu không tính bây giờ thì cầu xong mà hai đầu không có đường thì dự án sẽ thiếu đồng bộ và giảm hiệu quả dự án”, ông Thăng yêu cầu.
Theo ông Nguyễn Tâm Thịnh - đại diện nhà đầu tư, trước đây dự án có vướng một số hộ dân nhưng nay đã giải quyết xong. Theo tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, phía chủ đầu tư sẽ hoàn thành toàn bộ dự án sớm 14 tháng so với kế hoạch dự kiến, đúng vào dịp 30/4/2018.
Theo ông Thịnh, dự án giải quyết ngập do triều cường tại khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đã đạt 26%-30% tiến độ.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho biết, TP đảm bảo nhà đầu tư khi thi công, nếu có vướng mắc cần tháo gỡ chỉ cần điện thoại báo, không cần tổ chức họp hành |
Tại buổi khảo sát, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho biết, qua thực tế kiểm tra, ông ghi nhận sự quyết tâm của đơn vị thi công, công trình đã tranh thủ làm xuyên Tết để đẩy nhanh tiến độ.
Ông Khoa cho biết bên cạnh tiến độ rút ngắn đảm bảo về đích sớm, nhà đầu tư phải đảm bảo chất lượng công trình. Qua đó, ông đề nghị nhà đầu tư phải có trách nhiệm trong điều hành, chỉ đạo thi công cũng như trách nhiệm với người dân thành phố.
“Đây là dự án rất lớn không chỉ chống ngập mà còn tác động tới phát triển kinh tế xã hội của TP. 6,5 triệu dân TP sẽ được lợi từ dự án nên họ sẽ là người giám sát và có ý kiến. Nếu dự án xong mà khi triều cường lên vẫn bị ngập thì sẽ không ai tin mình”, ông Khoa nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND TP cho biết, nhà đầu tư chỉ cần điện thoại báo khi có vướng mắc gì cần tháo gỡ và được UBND TPHCM giải quyết ngay chứ không cần tổ chức họp hành.
Trước đó, ngày 26/6/2016, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) được “bấm nút”. Dự án có vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng dự kiến kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành sau 3 năm thi công (6/2019).
Theo nội dung ký kết với nhà đầu tư, UBND TP HCM sẽ thanh toán 16% giá trị hợp đồng BT bằng quỹ đất và 84% bằng tiền.
Tuấn Kiệt