- Đó là phát biểu của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng trong Hội nghị Chuyên đề kết nối giao thông các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các địa phương Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và TPHCM. Các cơ quan Trung ương có đại diện của Văn Phòng TW Đảng, các bộ KH-ĐT, Tài chính, Xây dựng…
Chỉ thực hiện được 1/3 mục tiêu
Đại diện Bộ KH-ĐT đánh giá, tuy Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng nếu tính theo định hướng phát triển hạ tầng kết cấu đường bộ theo Quyết định 252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thì khả năng đạt được mục tiêu theo định hướng rất khó.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị |
“Chỉ riêng về mục tiêu đường cao tốc, thời điểm này cả vùng mới đạt trung bình 91 km đường cao tốc. Đến năm 2018-2019 thì mới thêm được 50km, thì mới đạt được khoảng 1/3 so với mục tiêu”, đại diện Bộ KD-ĐT khẳng định.
Kinh tế Vùng trọng điểm phải đối diện với những khó khăn thực tế: đường sắt cơ bản chưa được triển khai, cải tạo tuyến đường nội thuỷ chưa thực hiện được nhiều, dự án sân bay Long Thành phải đến cuối nhiệm kỳ mới khởi công được, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất thì quá tải.
Đại diện Bộ KH-ĐT cho biết, nguồn ngân sách dành cho trung hạn hiện vẫn còn hạn chế. Trong 5 năm tới chỉ có khoảng 270 nghìn tỷ, trong khi theo quy hoạch thì phải cần đến 1 triệu tỷ.
“Vùng nên tham khảo kinh nghiệm của đồng chí Bí thư Thành uỷ TPHCM. Trong giai đoạn 2011-2015 khi đồng chí Đinh La Thăng đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT, đã huy động ngoài ngân sách được 185 ngàn tỷ. Đây là một kinh nghiệm rất quý báu”, đại diện Bộ KH-ĐT nhận định.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, báo cáo của Bộ GTVT cho thấy đang rất khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn. “Dự án Long Thành mặc dù đã nhận được chủ trương của Quốc hội, nhưng hiện nay vẫn chưa có vốn, không biết sử dụng nguồn vốn nào để thực hiện”, Bộ Tài chính thông báo.
Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng Trần Thanh Bình nhận định, Bộ Chính trị đưa ra Nghị quyết 53 về phát triển kinh tế vùng trọng điểm, nhưng dường như chúng ta không đạt được mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đặt ra. “Phối kết hợp giữa Trung ương và địa phương thiếu lửa để đột phá trong điều hành”, bà Bình nhấn mạnh.
“Để có kết quả thiết thực, nên chọn ưu tiên đầu tư dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng, tạo chuyển biến rõ nét. Ngoài vốn trung hạn, các tỉnh nên đồng thuận với Bộ GTVT và các vùng liên quan để tạo cơ chế đặc thù, đột phá, bền vững. Các địa phương cùng TPHCM, các bộ ngành liên quan nên có đề nghị Bộ Chính trị cho phép phát hành trái phiếu đô thị, bên cạnh trái phiếu Chính phủ.
Vùng cũng nên có đề nghị đặc thù về xã hội hoá 1 cách rõ ràng về giao thông. Rõ ràng là không còn vốn để phân nữa, thì phải có cơ chế...", Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng nhận định.
"BOT không có gì là sai..."
Tổng kết hội nghị, với tư cách TPHCM là Chủ tịch luân phiên Vùng kinh tế trọng điểm, Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng khẳng định: TPHCM xin tiếp thu các ý kiến. Việc chúng ta thực hiện các kết nối chính là yếu tố quyết định cho việc phát triển kinh tế vùng. Kết nối phải bao gồm cả kết nối cứng (giao thông, logistic, chống tội phạm…) và kết nối mềm (thể chế chính sách, giáo dục đào tạo, dịch vụ tài chính…).
Bản đồ kết nối giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam |
Bí thư Thăng nhận định, trước mắt tập trung trước hết về kết nối giao thông vùng. Với vai trò là Chủ tịch, TPHCM đề xuất nên thực hiện tổng kết Nghị quyết 53. Đến nay đã qua 11 năm thực hiện, chúng ta nên tổ chức đánh giá kết quả và hiệu quả, đặc biệt đặt trong bối cảnh hiện giờ thực hiện Nghị quyết 53 khác với thời điểm năm 2005.
“Phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết 16, nhấn mạnh phát triển vùng. Phải xây dựng được chính sách phát triển, xây dựng cơ chế điều phối. TPHCM ko thể điều phối các tỉnh khác, mà ít nhất phải là Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo điều phối. Chủ tịch kinh tế vùng phải là Chính phủ, không luân phiên được đâu, chứ không lại trở thành cuộc gặp vui vẻ. Tổng Bí thư đã nói rồi, Nghị quyết của chúng ta rất sáng tạo, nhưng khi đi vào thực hiện lại có vấn đề”, Bí thư Thành uỷ TPHCM khẳng định.
“ Đề xuất các quy hoạch phát triển kinh tế của vùng, trong đó có việc quy hoạch giao thông. Từ đó chúng ta đề nghị bổ sung quy chế chính sách về tạo vốn, huy động vốn. Chúng ta phải có rất nhiều hình thức huy động như BOT, BT... Bản thân hình thức BOT không có gì là sai, chỉ có người thực hiện làm sai thì nó sai.
Có các nhà báo ở đây, chúng ta phải tuyên truyền đúng sự thật. Ví dụ đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, bao nhiêu thứ người dân được lợi về xăng dầu, về hao mòn vận tải, người dân chủ yếu chọn đường cao tốc để đi… Dự án nào sai, anh nào làm sai, thì chúng ta phải xử lý”.
Việt Đông (Ảnh: Đinh Tuấn)