Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tỉnh Yên Bái đặt ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, từng bước phát triển nền kinh tế số, xã hội số, thích ứng Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Trong đó tỉnh nhấn mạnh đến việc xây dựng, vận hành hiệu quả đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách phù hợp để phát triển kinh tế số, xã hội số, phấn đấu đưa tỷ trọng đóng góp của kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP vào năm 2025.
Tân Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy |
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này ngay sau khi đắc cử chức Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, ông Đỗ Đức Duy cho biết, Yên Bái đã triển khai kiến trúc chính quyền điện tử vào năm 2018. Năm 2019, tỉnh tiến hành nghiên cứu xây dựng đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh.
"Trên cơ sở đó chúng tôi báo cáo của HĐND phê duyệt và hiện nay đang triển khai thực hiện. Chúng tôi xác định xây dựng đề án đô thị thông minh chính là chủ động tiếp cận và áp dụng, vận dụng các thành quả cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo đúng chủ trương của Trung ương và Chính phủ", tân Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhấn mạnh.
Cách làm thông minh, lựa chọn thông minh và lộ trình thực sự thông minh
Ông có thể nói sâu hơn về những nội dung quan trọng của đề án đô thị thông minh và tỉnh đã chuẩn bị những gì để thực hiện cho bằng được đề án này?
Cách làm của Yên Bái là chúng tôi cũng nghiên cứu một số kinh nghiệm của quốc tế, nghiên cứu kinh nghiệm của các tỉnh, thành khác trong cả nước đã triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, chúng tôi điều chỉnh, bổ sung để đưa vào nội dung đề án và lộ trình thực hiện thích hợp.
Với một địa phương như Yên Bái, điều kiện kinh tế xã hội, nhất là nguồn lực đầu tư công hạn chế nên chúng tôi xác định là “muốn thực hiện thành công đề án mô hình đô thị thông minh thì phải có cách làm thông minh, phải có lựa chọn thông minh và thực hiện một lộ trình thực sự thông minh" thì mới đi tới đích, phát huy tốt hiệu quả.
Ví dụ như nhiều địa phương khác lựa chọn những hợp phần đầu tiên liên quan đến giao thông thông minh hay môi trường thông minh. Nhưng Yên Bái thấy rằng là một địa phương mà kinh tế phát triển còn rất khiêm tốn, quy mô nền kinh tế còn nhỏ nên chúng tôi lựa lựa chọn hợp phần đầu tiên liên quan đến điều hành kế hoạch, tài chính.
Để tới đây, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, tất cả các cán bộ trong hệ thống chính trị biết được theo thời gian thực hôm nay chúng ta giải ngân được bao nhiêu %, thu ngân sách được bao nhiêu, các dự án triển khai tới đâu.
Hợp phần thứ hai, chúng tôi lựa chọn đó là giáo dục thông minh. Hợp phần thứ ba là y tế thông minh. Vì sao chúng tôi chọn hai hợp phần này? Bởi nền tảng cơ sở dữ liệu của hai lĩnh vực này đã có khá phong phú, cần chuẩn hóa thì có thể triển khai được ngay. Nhưng quan trọng hơn đây là hai hợp phần liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội của mọi người dân trên toàn tỉnh.
Đây chính là yếu tố để làm sao nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân. Làm tốt hai lĩnh vực rất quan trọng là giáo dục và chăm sóc sức khỏe thì chúng ta đo lường được hàng ngày, xem dịch vụ của chính quyền cung cấp với người dân như thế nào.
Việc xây dựng, vận hành hiệu quả mô hình đô thị thông minh là nội dung quan trọng trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 của tỉnh Yên Bái. |
Thứ tư, chúng tôi lựa chọn hợp phần về du lịch thông minh. Bởi, Yên Bái đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Đây là lĩnh vực, chúng tôi đang còn khiêm tốn hơn so với yêu cầu Trung ương đặt ra "phải là ngành kinh tế mũi nhọn".
Chúng tôi có tài nguyên du lịch, có tiềm năng du lịch. Vậy bây giờ để phát triển được thì phải có các giải pháp đồng bộ, từ việc xây dựng nghị quyết chuyên đề, cho đến việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, cho đến việc kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư thực sự có tiềm năng để đầu tư các dự án phát triển du lịch trên địa bàn.
Trong đó, trọng tâm là khu du lịch quốc gia Thác Bà, du lịch miền tây liên quan đến Mường Lò, Mù Căng Chải. Yên Bái sẽ triển khai hợp phần du lịch thông minh để phục vụ chính cho một trong những lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên để phát triển.
Đương nhiên đi theo đó sẽ là hợp phần liên quan đến bảo đảm an toàn, an ninh. Thế nhưng chúng tôi lựa chọn những lĩnh vực rất thiết thực, phù hợp và chi phí không nhiều. Vì như giáo dục, y tế thì cơ sở dữ liệu đã phong phú, chỉ cần chuẩn hóa là ít tốn chi phí hơn.
Như ông nói, đó là những "lựa chọn thông minh", còn "cách làm thông minh" của Yên Bái là gì? Tỉnh sẽ thực hiện những hợp phần này bằng phương thức nào, đầu tư bằng vốn ngân sách hay hình thức PPP (đối tác công tư), xã hội hóa…?
Yên Bái lựa chọn đầu tư mô hình đô thị thông minh theo hình thức đa dạng các nguồn lực đầu tư, kể cả đầu tư công, đầu tư tư và hợp tác công tư.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu xây dựng kiến trúc ICT của mô hình đô thị thông minh, đầu tư một số phần cứng, phần mềm, nền tảng cốt lõi thì chúng tôi phải sử dụng nguồn lực đầu tư công. Khi đã có nền tảng rồi, chúng tôi sẽ thu hút các doanh nghiệp mà chúng tôi hướng tới là các doanh nghiệp tư nhân để tham gia cùng đầu tư.
Ở đây giống như Yên Bái đặt ra một đồ án quy hoạch và đầu tư các trục đường chính, các trục giao thông chính, các hạ tầng khung, sau đó sẽ mời gọi các nhà đầu tư để đầu tư hạ tầng nhánh và đầu tư các công trình trên đó.
Như vậy, những dịch vụ thiết yếu thuộc trách nhiệm của Nhà nước sẽ cung cấp miễn phí cho người dân. Còn những dịch vụ giá trị gia tăng, ví dụ như dành cho khách du lịch từ nơi khác đến đây thì có thể thu phí để đảm bảo được bài toán điều hòa đầu tư.
Đầu tư cả hạ tầng đầu cuối để dân dễ tiếp cận
Vậy một lộ trình thực sự thông minh mà Yên Bái sẽ đi được diễn ra như thế nào, thưa ông?
Đặt vấn đề là như vậy nhưng xây dựng mô hình đô thị thông minh cũng là một vấn đề mới và khó đòi hỏi rất nhiều yếu tố liên quan như hạ tầng công nghệ thông tin, như vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật, như vấn đề cơ sở dữ liệu chúng tôi vẫn gọi là dữ liệu nền.
Muốn đạt được hiệu quả, chúng ta cần có lộ trình phù hợp. Giai đoạn này chúng tôi sẽ thực hiện 4 hợp phần nói trên.
Còn giai đoạn sau, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các hợp phần khác, ví dụ như vấn đề quản lý đất đai, tài nguyên, quản lý môi trường, quản lý giao thông, nông nghiệp thông minh, công nghiệp thông minh…
Hiện nay, đối những lĩnh vực này đòi hỏi dữ liệu đầu vào rất lớn cần phải có thời gian chuẩn bị. Vì vậy, chúng tôi sẽ lựa chọn lộ trình phù hợp để thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Là một tỉnh miền núi, địa hình trắc trở, hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số vốn quen với những nếp văn hóa truyền thống. Những yếu tố này có ảnh hưởng đến tính khả thi của đề án?
Đây là một thực tiễn của Yên Bái, cho nên đồng thời với việc đầu tư hạ tầng phần cứng, phần mềm, chúng tôi cũng đầu tư hạ tầng đầu cuối theo hướng các doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư. Hoặc tỉnh sẽ lựa chọn hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin để đảm bảo hạ tầng kết nối đầu cuối sao cho người dân tiếp cận được.
Thứ nữa, chúng tôi sẽ xây dựng các kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, trước hết là cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị; sau nữa là có phần mềm, khóa đào tạo hỗ trợ cho người dân để họ có thể tiếp cận dịch vụ.
Do hạ tầng Yên Bái còn khó khăn nên nhiều dịch vụ chưa được thuận tiện. Ví dụ như thanh toán điện tử thì chúng tôi lựa chọn những giải pháp khác để thay thế mặc dù không tiện lợi bằng. Đó là thanh toán thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Như việc giải quyết thủ tục hành chính hiện nay, chúng tôi đang vận hành song song, những ai đã có điều kiện công nghệ có thể thanh toán điện tử thì áp dụng, còn không thì dùng dịch vụ bưu chính công ích để thanh toán tại nhà. Như vậy thì cũng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dịch vụ.
Thu Hằng
Thường trực Ban Bí thư: Chỉ số hạnh phúc là điểm đặc sắc của Yên Bái
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: Đại hội Yên Bái lần đầu tiên đưa chỉ số hạnh phúc vào báo cáo chính trị. Đây là điểm đặc sắc của Yên Bái.