Theo Thecoverage, một cô dâu tại Ấn Độ đã từ chối làm lễ thành hôn với chú rể ngay trong ngày cưới chỉ vì hôn thê của cô không mời DJ đến chơi nhạc.
Trước đó, hôn lễ đã được ấn định ngày giờ. Ngày cưới, chú rể đến rước dâu nhưng cô dâu không những không ưng thuận mà còn cãi nhau với nhà trai vì không thấy họ thuê DJ cho bữa tiệc.
Người thân đã thuyết phục cô dâu bỏ qua vấn đề này để thực hiện nghi lễ nhưng cô vẫn không đồng ý, thậm chí cô còn quyết định lấy một người khác là khách mời của đám cưới. Chàng trai này cũng đồng ý kết hôn với cô dâu và hôn lễ của họ đã được cử hành 12 giờ sau đó.
Những chuyện nhất định phải bàn trước đám cưới
Tài chính
Lập kế hoạch sử dụng tiền cả hai kiếm được trong tương lai là điều rất quan trọng. Ngoài khoản chung cả hai cùng đóng góp mỗi tháng, mỗi người có thể cần tích lũy riêng. Số tiền cần đóng hàng tháng là bao nhiêu - tùy vào mức lương - cần được thảo luận và thống nhất.
Ngoài ra, quyết định khi nào dùng nguồn tài chính chung cũng cần được đồng thuận trước khi cưới. Ngay cả tiền chi cho đám cưới cũng cần thống nhất tránh trường hợp cãi nhau vì những chuyện phát sinh.
Con cái
Không phải ai kết hôn cũng muốn có con. Hay dù cả hai đều muốn có, cũng cần thảo luận và thống nhất cách nuôi dạy con, những gì sẽ làm nếu những đứa trẻ khuyết tật, cách bạn phản ứng nếu đứa trẻ lớn lên khác những gì cha mẹ kỳ vọng.
Một số người nhất định muốn có con sau kết hôn. Vì vậy, nếu chẳng may không một trong hai không thể có con, họ cần suy tính về việc phải làm tiếp theo: nhận con nuôi, mang thai hộ, thụ tinh ống nghiệm, ly hôn để đến với người khác...
Quan niệm về sự không chung thủy
Chuyện này mỗi người có cách hiểu khác nhau. Ví dụ, một người nghĩ hôn phụ nữ là phản bội nhưng người kia lại cho rằng chỉ cần gặp mặt người yêu cũ đã "không chấp nhận được".
Cũng có người cho rằng vợ/chồng yêu người khác mới là phản bội. Vì vậy, trước khi kết hôn, bạn nên nói rõ quan điểm của mình để tránh hiểu lầm.
Thỏa thuận về cách sống
Mỗi người có những mối ác cảm riêng. Nói cho nhau biết bạn là người thế nào là lựa chọn khôn ngoan để giữ hôn nhân bền vững. Ví dụ, một người thích ngăn nắp, trong khi vợ/chồng lại không gặp vấn đề gì nếu nhà cửa lộn xộn. Khi thỏa thuận sớm, hai người sẽ có cách ứng xử phù hợp.
Số tiền nợ
Biết về các khoản nợ của nhau có thể giúp vợ chồng lên kế hoạch giải quyết. Đối phương sẽ cảm thấy bị phản bội khi chồng/vợ che giấu món nợ rồi kết hôn xong mới thú nhận. Hơn nữa, điều này có thể khiến họ không còn tin tưởng vào người mình yêu.
Bạn muốn sống ở đâu
Dù điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng mọi người quên bàn trước khi kết hôn. Dù chọn sống ở nông thôn hay thành phố cũng tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc sống mà hai người yêu nhau sắp chia sẻ. Nó cũng có thể dẫn đến sự không hài lòng nếu một trong hai muốn sống trong một căn hộ và người kia mơ được sống trong một ngôi nhà có mái hiên phía trước.
Các tranh luận có thể nổ ra nếu một người muốn sống gần bạn bè hoặc gia đình trong khi người kia cho rằng nhà chỉ là nơi ở tạm thời.
Theo Gia đình & Xã hội