Sau 2 ngày xét xử, ngày 19/11, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với những người trong đường dây giả công an, tòa án, VKS lừa đảo qua điện thoại, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, khoảng 13h ngày 19/1/2018, bà Cam Thị Bích Nhạn (68 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) nhận được cuộc điện thoại đến số máy bàn của gia đình. Kẻ gọi điện tự nhận là Công an TP Hà Nội, thông báo bà Nhạn nợ ngân hàng Vietcombank hơn 16 triệu đồng. Số tiền này có liên quan đến vụ lừa đảo trên hệ thống ngân hàng.
Sau đó, người này còn đe dọa sẽ khởi tố, yêu cầu bà Nhạn phải ra Hà Nội làm việc và chuyển tiền vào tài khoản để kiểm tra.
Các bị cáo tại tòa |
Do lo sợ nên bà Nhạn đã mở tài khoản tại ngân hàng VPbank chi nhánh TP.HCM và sử dụng số điện thoại do chúng cung cấp để đăng ký sử dụng dịch vụ Internet Banking, sau đó chuyển số tiền tiết kiệm 1 tỷ 400 triệu đồng vào tài khoản này.
Sau đó, nhóm lừa đảo đã chuyển toàn bộ số tiền tới số tài khoản mang tên Nguyễn Đắc Tý, Bùi Quang Hải và nhiều số tài khoản khác (hiện chưa xác định được). Khi nhận được tiền, Hải, Đắc đã rút ra giao cho các đối tượng người Đài Loan.
Khoảng 10h ngày 27/1/2018, anh Trần Minh Tuấn (27 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM) nhận được cuộc điện thoại thông báo có một gói hàng chưa nhận. Đối tượng này cho hay, gói hàng chứa nhiều thẻ ATM nghi là vi phạm pháp luật và chuyển máy cho công an để anh Tuấn khai báo.
Sau đó, đối tượng tự xưng là công an nói anh Tuấn có liên quan tới một vụ mua bán ma túy xuyên quốc gia, sẽ bắt tạm giam; yêu cầu anh Tuấn phối hợp, chuyển tiền vào tài khoản để kiểm tra.
Tưởng thật, anh Tuấn đã đi mở tài khoản tại ngân hàng MBbank và đăng ký dịch vụ Internet Banking bằng số điện thoại mà đối tượng này cung cấp rồi chuyển hơn 200 triệu đồng vào tài khoản này.
Sau đó, đối tượng này đã sử dụng Internet Banking chuyển toàn bộ số tiền của anh Tuấn vào số tài khoản của đối tượng Bùi Quang Hải. Ngày 30/1/2018, một đối tượng người Đài Loan (không rõ nhân thân) đưa đi rút toàn bộ số tiền trên.
Chiều 16/3/2018, bà Nguyễn Thị Dụ (76 tuổi, ngụ quận Tây Hồ, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số máy bàn của gia đình. Đối tượng gọi điện tự xưng là công an và thông báo bà liên quan đến đường mua bán ma túy xuyên quốc gia, rửa tiền. Công an đã có lệnh bắt khẩn cấp do số tiền trong tài khoản của bà liên quan đến tội phạm. Đối tượng đề nghị bà Dụ phối hợp điều tra khai về số tiền trong tài khoản và giữ bí mật kể cả với người thân.
Lo sợ, bà Dụ đã cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại và số tiền tại ngân hàng. Trong ngày bà đã thực hiện theo yêu cầu rút chuyển hơn 2,1 tỉ vào tài khoản mới theo chỉ định để cần kiểm tra trong thời gian 24 giờ. Những ngày sau bà tiếp tục chuyển thêm nhiều lần với số tiền gần 4 tỉ đồng.
Cũng bằng thủ đoạn giả danh công an, tòa án, băng nhóm lừa đảo đã gọi điện đe dọa thêm 15 nạn nhân khác, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của các nạn nhân.
Khi biết bị lừa, các nạn nhân đã tố cáo tới cơ quan công an. Qua điều tra, cơ quan điều tra xác định được các đối tượng cầm đầu nhóm lừa đảo là Chiu Po Sung (23 tuổi), Hou Po Ta (27 tuổi), Pan Chu Lin (23 tuổi) cùng quốc tịch Đài Loan.
Các đối tượng này đã câu kết với Nguyễn Doãn Toàn (24 tuổi), Bùi Quang Hải (25 tuổi), Nguyễn Doãn Phong (28 tuổi), Nguyễn Tông Long (25 tuổi), Nguyễn Thái Dũng (27 tuổi) cùng ngụ ở Hà Tĩnh và Trang Thị Châu Đoan (24 tuổi, ngụ Kiên Giang), Dương Văn Tùng (24 tuổi, ngụ Bình Định) để lừa đảo các nạn nhân.
Tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội.
Sau khi xem xét, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Pan Chu Lin 15 năm tù, Chiu Po Sung 13 năm tù, Hou Po Ta 10 năm . Các bị cáo còn lại cũng phải lãnh từ 5 tới 12 năm tù.
Bắt nữ quái giả danh phó phòng, lừa đảo hơn 1 tỷ đồng
Công an tỉnh Quảng Bình hôm nay (13/11) cho biết, vừa bắt giữ và tạm giam 4 tháng với Trần Thị Quyên vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Thanh Phương