LTS: Các sĩ tử, người dân kéo đến khấn vái bia Hạ mã - Văn Miếu để cầu may trong thi cử đã tạo ra hình ảnh bi hài đáng suy ngẫm.

Dưới đây là góc nhìn riêng của ông Dương Chính Chức, một công chức đang công tác tại Bộ Ngoại giao. Bài viết đã đăng trên trang cá nhân và thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

{keywords}
Sĩ tử cầu khấn trước bia Hạ mã 

 

Tôi nghĩ, chuyện này cũng có nguyên cớ cả. 

Nói chung, bà con ta rất tình cảm, yêu thương cây cỏ, muôn loài. Thậm chí những vật vô tri vô giác như quả núi, con sông, hòn đá, cái cây..., bà con cũng phải thổi hồn cho nó, gọi nó là Ông, Bà, Ngài...rồi ngày ngày đến thắp nén tâm hương và tâm sự, vỗ về cho nó. 

Bà con thì cho rằng đó là tín ngưỡng, đầy nơi khác cũng như thế, thậm chí họ còn thờ cả mấy ngôi sao cách đây cả trăm, cả vạn năm ánh sáng. 

Khoa học thì bảo, bà con mê tín dị đoan, làm gì có thần thánh mà thờ. Thực ra, các nhà tâm linh nói rằng vật vô tri vốn vô tri, nhưng nếu ta thổi hồn liên tục, nó sẽ dần hình thành linh giác, một thực thể và sống dựa vào niềm tin, lòng thành đó, cũng vui là giúp, giận là phạt. 

Về thực tế mà nói, đấy là vì bà con yếu đuối, mất niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống nên phó thác vận mệnh cho kẻ khác. Thậm chí, không tìm ra ai để phó thác thì tự tạo ra những kẻ đó để rồi tự dựa vào cho có cảm giác yên tâm. Thật chất phác biết bao. 

Lịch sử bao đời cho thấy chất phác là bản tính vốn có của bà con rồi. Thế nên mới nhiều miếu đến thế. Thế nên ta mới chứng kiến nhiều gốc cây, hốc đá được cắm nhiều hương đến thế. Thế nên ta mới thấy ở nơi ấy, có cây chuối trót ra nhiều hoa và người ta cùng khóc òa sung sướng, thi nhau vái lậy. 

Đấy, đến cái thứ đấy mà bà con còn tin, huống hồ là cái bia đá, nom rõ uy nghi, cũng cột cũng mái cong, lại có cả chữ Nho khắc trên đó, kiểu gì cũng phải thiêng hơn loại đất đá, gốc cây. 

Hỏi biết bia gì không á? Bia gì đâu quan trọng, mấy trăm năm nay, nó cũng thu lĩnh linh khí trời đất mà thành thần rồi ấy chứ. Thế nên, với bà con thì cứ là thà cúng nhầm còn hơn cúng sót... 

Tượng bị xoa bụng, rùa đá, chó đá, sư tử đá bị xoa đầu, mỏm đá nhô ra cũng bị vỗ vuốt, xoa vuốt nhiều đến mức tất cả cứ bóng nhoáng cả lên. 

Bà con chất phác thế thì thôi, khỏi nói, chả trách. Thế chính quyền nơi quản cái bia Hạ mã ấy làm gì? Chả lẽ chính quyền nơi ấy cũng lại chất phác như bà con? 

Hay là dựng một cái bia khác bên cạnh để giải thích gốc tích cái bia Hạ mã ấy nhỉ? Biết đâu, bà con đọc thấy, may ra tỉnh ngộ thì sao.

Nhưng có khi, mấy trăm năm sau, chính cái bia giải thích ấy lại được nhận bát hương, ngũ quả rồi ngày ngày lại nghe bà con đến tâm sự cũng chả chừng...

Yếu đuối, nhu nhược, mất niềm tin và mất tự tin, lâu rồi thành quen, dẫn đến hơi tí là thần hồn nhát thần tính.

Sau khi dư luận ồn ào về chuyện cúng bái bia Hạ mã, Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã lên tiếng giải thích: Hai bên khu Tiền án của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có hai tấm bia đề chữ “Hạ mã”, có nghĩa là xuống ngựa. Bia do Thượng thư Bộ Công, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Hoản cho dựng năm 1771.

Bia cùng với tứ trụ (4 cột trụ) trước cổng Văn Miếu, được xem là mốc giới hạn xác định ranh giới chiều ngang của Văn Miếu. Bia Hạ mã không phải là không gian thờ tự, thờ cúng, thắp hương. 

Dương Chính Chức

Bài viết trao đổi xin gửi về email: gocnhinthang@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn! 

Sĩ tử vái vọng ở cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám trước giờ 'cân não'

Sĩ tử vái vọng ở cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám trước giờ 'cân não'

Ngày 12/6, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021- 2022 tại Hà Nội bắt đầu diễn ra. Trước khi kì thi, nhiều phụ huynh, học sinh vái vọng trước cổng Văn Miếu- Quốc Tử Giám để cầu may.