Theo lời kể của anh Quỳnh, cây cảnh giá "khủng" không chỉ đơn thuần nhờ vào dáng đẹp mà còn phải có "tiểu sử" dị thường. "Cuộc đời" của bất cứ "dáng" (cây cảnh - PV) nào càng "truân chuyên", càng được dân trong giới săn đón.

Thuê thầy cúng tung tin, mướn giang hồ chèn ép

Đã hơn mười năm có lẻ trôi qua, anh Nguyễn Bá Quỳnh (39 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) chuyển sang nghề trồng cây cảnh. Trước đây, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh theo học nghề sửa chữa xe máy ở Thanh Xuân (Hà Nội), định sau này mở một hiệu sửa xe ở gần nhà kiếm tiền mưu sinh. Tuy nhiên, trong một lần lái thử chính chiếc xe mà mình vừa "phẫu thuật", anh Quỳnh bị tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trong bệnh viện, nhìn những vết khâu chằng chịt ở đầu gối, anh quyết định bỏ nghề, về nhà cùng bố đẻ trồng cây cảnh.

Như lời anh Quỳnh nói, ai có tính "ăn xổi" thì không bao giờ thành công được trong nghề trồng cây cảnh. Một người thợ giỏi không chỉ cần con mắt khéo mà còn phải nhẫn nại và hết sức tỉnh táo. Chắc chắn khi thành danh sẽ thường xuyên phải tiếp xúc với những "đối tác" vô cùng mưu mô, thủ đoạn. Nếu không có bản lĩnh, chắc chắn anh đã bị "hớ", mất cả núi tiền. Đã 12 năm trôi qua, mưu sinh bằng cái nghề làm đẹp cho cây này, anh đã chứng kiến biết bao câu chuyện cười ra nước mắt. Nói chuyện với PV, anh Quỳnh mới có dịp trải lòng về những lần "đụng độ" với những tên chuyên săn cây cảnh.

{keywords}
Mô tả

Tâm sự với chúng tôi, anh Quỳnh kể: "6 năm trước, khi cây cảnh còn sốt, hàng ngày gia đình tôi có cả trăm người đến xem cây cảnh. Bởi bố tôi là một nghệ nhân trồng cây cảnh có tiếng trong vùng. Ngày ấy, giữa sân nhà tôi đặt một cây sung hình quái thú đã hơn 70 năm tuổi. Thân, da cây già cỗi, rêu mốc và mọc quả chi chít quanh năm. Một hôm, có một người đàn ông trung niên ăn vận sành điệu, đi ô tô sang trọng đến nhà tôi hỏi mua cây sung với giá 200 triệu đồng. Sau này tôi mới biết ông ta là một người chuyên bán sang tay cây cảnh để kiếm lời. Vì chưa được giá nên bố tôi quyết định không bán. Sau đó, cứ mỗi ngày, người đàn ông này lại đến và đưa ra một lời chê để bố tôi chán và sẽ bán với giá ông ta đưa ra. Tuy nhiên, biết trò đó không phát huy hiệu quả, ông này bắt đầu sử dụng đến chiêu "độc".

Theo Quỳnh, cây cảnh đắt tiền không chỉ thế phải đẹp mà còn phải có tiểu sử "truân chuyên".

Theo anh Quỳnh, bỗng một hôm, hàng xóm nhà anh khánh thành nhà và thuê thầy cúng đến xua ma đuổi quái. Không biết bằng cách nào, người chuyên bán sang tay cây cảnh kia biết chuyện, liền môi giới cho hàng xóm tôi một ông "thầy" cao tay ở Thái Nguyên. Và từ đây, bao nhiêu câu chuyện được dàn dựng lên khiến nhiều người dân trong làng kinh hồn, khiếp vía.

"Khi lập ban thờ xong, trước rất nhiều người dân, thầy cúng liền nhìn sang phía nhà tôi và phán rằng cây sung kia là nơi trú ngụ của quỷ dữ. Hơn nữa, cây đang đặt ở vị trí "địa sát" sẽ gây ảnh hưởng đến công việc làm ăn của chủ nhà và hàng xóm. Nếu không bỏ cây sung này thì chỉ thời gian ngắn nữa các gia đình sẽ gặp họa, có nhiều người chết bất đắc kỳ tử", anh Quỳnh kể.

Được biết, ngay buổi tối hôm đó, mấy người hàng xóm đã tập trung, "nói khéo" để bố con anh bán đi cây sung "ma quái" này. Sáng hôm sau, người đàn ông trung niên kia hồ hởi tiếp tục đến hỏi mua cây sung. Nhìn vẻ mặt ông ta rất đắc thắng. Tuy nhiên, xâu chuỗi các sự việc lại, bố con anh Quỳnh đã "bắt bài" từ trước nên bán cây sung cho một vị đại gia ở quận Đống Đa (Hà Nội) với giá 400 triệu đồng trước mặt tay "săn" cây cảnh này.

Tiếp tục nói về những chiêu trò của giới "săn" cây cảnh, anh Quỳnh còn cho biết thêm, mới đây, một người chuyên trồng cây cảnh làng anh bị "chơi" một vố đau. Số là, ông này có một cây sanh thế Ngũ phúc được dân trong giới "săn" ráo riết, có người đã trả giá nửa chục tỷ đồng. Sau này, do con trai đam mê cờ bạc, nợ dân xã hội 1,5 tỷ đồng, không xoay đâu ra tiền trả nợ nên đánh tiếng rao bán "viên ngọc quý" của mình. Một ngày sau, vị đại gia đã trả 5 tỷ đồng trước đó tìm đến hỏi mua. Tuy nhiên, biết gia chủ đang gặp nạn, ông này chỉ trả bằng một nửa tiền so với trước. Tất nhiên là gia chủ nhất quyết không bán và chờ người trả giá cao hơn.

Trước đây, mỗi ngày có cả chục người đến xem cây, hỏi mua thì nay bỗng nhiên sạch bóng. Sốt ruột trả nợ cho "quý tử", cuối cùng, ông đành ngậm ngùi bán cây sanh với giá 2,5 tỷ đồng để trả nợ cho con. Sau này ông ta mới biết, chính vị đại gia kia đã cho đàn em đứng đầu làng, hễ có ai đi mua cây cảnh qua là dọa nạt, không cho vào. Theo anh Quỳnh, đây là những chiêu ép giá phổ biến của những tay "săn" cây cảnh chuyên nghiệp hiện nay.

Kỹ nghệ “thổi” đẳng cấp, nâng tầm độc, dị

Được biết, sau khi "lòe", mua được cây cảnh "khủng" giá bèo, những tay "săn" cây cảnh sẽ tìm mọi cách để nâng tầm đẳng cấp cho cây kiếm lời. "Có ở trong nghề cây cảnh mới biết thế giới ngầm của nó tràn đầy sự lọc lừa. Những người buôn cây cảnh đều giữ cho mình hàng mớ thủ đoạn. Nhiều khi mua được, thương lái sẽ sáng tác ra một tiểu sử vô cùng bí hiểm pha chút "truân chuyên" cho cây của mình. Chính cái "tiểu sử" chẳng giống ai đó sẽ khiến cây của họ tăng giá trị gấp cả chục lần. Bởi vì khi mua một thứ gì đó, đặc biệt là cây cảnh, đại gia nào chẳng muốn nghe về những câu chuyện kỳ lạ xung quanh nó để sau này còn còn "chém gió" với bạn bè", anh Quỳnh cười bảo.

Người đàn ông này vẫn còn nhớ, cách đây 2 năm, anh Minh, một người bạn của anh Quỳnh sau khi bán cây lộc vừng cho một tay "săn" cây cảnh ở Hưng Yên đã được bồi dưỡng 20 triệu đồng chỉ để học thuộc một câu chuyện liên quan đến chính cái cây mà anh ta vừa bán. Chính anh Minh cũng phải giật mình vì khả năng thêu dệt của tay lái buôn cây cảnh khi đưa ra một câu chuyện vô cùng bí hiểm. Hai ngày sau, tay này dẫn theo một đại gia đến để tận tai nghe anh Minh thuyết trình về "tiểu sử" kỳ bí của cây lộc vừng. Sau khi nghe xong, vị đại gia kia cảm thấy vô cùng hứng thú và quyết định rút hầu bao trả tiền.

Được biết, số tiền mà tay "săn" cây cảnh có được gấp 5 lần mà hắn đã bỏ ra để mua. Thu được món hời lớn, gã liền "bo" cho anh Minh thêm 5 triệu đồng coi như là tiền "vào vai" thành công. Anh Quỳnh bảo, trước đây, thời cây cảnh còn thịnh, rất nhiều tay lái buôn đến nhờ bố anh làm "diễn viên đóng thế" nhưng ông cụ nhất quyết từ chối.

(Theo Nguoiduatin)