Từ cuối năm 2023 đến nay, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đã leo thang nghiêm trọng liên quan đến các vụ va chạm ở khu vực gần bãi Cỏ Mây (thuộc Quần đảo Trường Sa) và bãi cạn Scarborough. Giữa hai nước đã liên tục xảy ra các cuộc chạm mặt và răn đe lẫn nhau nhau bằng các cuộc tuần tra và tập trận.

Ngay từ đầu năm 2024, Biển Đông tiếp tục chứng kiến nhiều diễn biến mới phức tạp và căng thẳng. Số lượng các cuộc va chạm đã tăng lên song song với số lượng kỷ lục các cuộc xâm nhập mà các bên cho là đối phương đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình.

W-Biẻndong.png
Sóng Biển Đông

Đầu tháng 1/2024, Philippines đã phối hợp với Mỹ trong Hoạt động Hợp tác Hàng hải là cuộc tuần tra chung kéo dài hai ngày bắt đầu từ ngày 3/1. Cuộc tuần tra chung có sự tham gia của 4 tàu hải quân Philippines và 4 tàu của Mỹ, bao gồm 1 tàu sân bay, 1 tàu tuần dương và 2 tàu khu trục.

Ngay sau khi Philippines thông báo tuần tra chung với Mỹ, Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam Trung Quốc đã thông báo lực lượng hải quân và không quân nước này tiến hành cuộc “tuần tra thường lệ” ở Biển Đông. Sau đó, quân đội Philippines cho biết hai tàu hải quân Trung Quốc đã bám sát và theo dõi các phương tiên tham gia Hoạt động Hợp tác Hàng hải này. Trong khi đó, phía Trung Quốc cho biết hoạt động tuần tra Biển Đông này nhằm “răn đe các hoạt động gây cản trở và tạo điểm nóng” trong khu vực.

Tháng 2, Philippines tiếp tục cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc cản trở tàu công vụ của Manila bằng các động tác cơ động nguy hiểm, truy cản tàu tuần tra của nước này. Manila đã thông báo lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines và các tàu của Cục Thủy sản và Nguồn lợi Thủy sản Philippines sẽ được cử tới bãi cạn Scarborough từ tháng 2 “để bảo vệ quyền và sự an toàn của ngư dân Philippines” ở vùng biển này. Tiếp đó, hôm 25/2, cảnh sát biển Philippines đã cáo buộc hải cảnh Trung Quốc dùng hai xuồng hơi để chăng đoạn dây phao hình vòng cung chắn ngang lối vào bãi cạn Scarborough, ngăn cản tàu công vụ của nước này tiếp tế nhiên liệu cho ngư dân hoạt động tại đây.

Chiều 28/3, tại Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận của Việt Nam trước những va chạm mới đây giữa tàu Trung Quốc và tàu tiếp tế của Philippines ở Bãi Cỏ Mây, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng cho biết:

"Chúng tôi đã phát biểu về vấn đề này. Chúng tôi rất quan ngại về những căng thẳng gần đây ở Biển Đông.

Việt Nam kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông".

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Mọi yêu sách và hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia được xác lập phù hợp với UNCLOS, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị nêu quan điểm của Việt Nam về một số hoạt động của Trung Quốc và Philippines ở khu vực Sandycay, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng nêu rõ:

"Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Việc các bên liên quan cho người lên thực thể thuộc chủ quyền của Việt Nam mà không được sự cho phép của Việt Nam là hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ quy tắc (COC) ở Biển Đông hiện nay.

Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, không có các hành động làm phức tạp tình hình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nghiêm túc thực hiện DOC cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Đồng thời, Việt Nam cũng cam kết sẵn sàng cùng các bên liên quan giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa bằng các biện pháp hòa bình".

Nhóm PV