- Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb (bang Virginia) vào thứ Hai tới sẽ đệ trình một nghị quyết lên Thượng viện Mỹ lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Biển Đông.



Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb Ảnh: readthehook

Ông Webb, Chủ tịch Tiểu ban các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc Trung Quốc liên tiếp sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền hàng hải ở Biển Đông.

Trang web của văn phòng Thượng nghị sỹ bang Virginia vào ngày 10/6 đã đăng tải thông cáo báo chí nêu rõ: “Các quan chức ở bộ ngoại giao và Bộ chỉ huy Thái Bình Dương cho biết, vào ngày 9/6, ba tàu an ninh hàng hải của Trung Quốc đã lao vào và làm hỏng cáp của một tàu thăm dò Việt Nam, tàu Viking 2, trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam”, Thượng nghị sĩ Webb nói. “Hành động này diễn ra tiếp theo các vụ việc tương tự ngày 26/3 ở gần Việt Nam và trong tháng 3 ở gần Philippines, cũng như các vụ việc trên biển vào năm ngoái tại quần đảo Senkaku dưới sự quản lý của Nhật Bản”.

Thông cáo nhấn mạnh: “Kiểu đe dọa của Trung Quốc gây quan ngại sâu sắc. Mỹ có lợi ích chiến lược rõ ràng trong việc tạo điều kiện cho việc tiếp cận đa phương, hòa bình hướng tới giải quyết các tranh chấp và đảm bảo sự tiếp cận cởi mở cho thương mại cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Trang web cho hay, thứ Hai tới, Thượng nghị sĩ này sẽ đệ trình một nghị quyết lên Thượng viện Mỹ lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Biển Đông và kêu gọi một giải pháp hòa bình, song phương cho tranh chấp hàng hải ở Đông Nam Á.

Thượng nghị sĩ Webb đã bày tỏ những quan ngại về vấn đề chủ quyền ở khu vực này trong nhiều năm qua. Phiên điều trần của ông với tư cách là Chủ tịch Tiểu ban các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ là tranh chấp hàng hải và vấn đề chủ quyền ở châu Á vào tháng 7/2009.

Trước đó cùng ngày, nhiều phương tiện truyền thông quốc tế đã đưa tin về tuyên bố của người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ với vấn đề Biển Đông. "Chúng tôi lo lắng bởi những báo cáo gần đây về tình hình Biển Đông và tin tưởng rằng, nó chỉ làm gia tăng căng thẳng, không góp phần cho hòa bình và an ninh khu vực”, ông Mark Toner nói. "Chúng tôi ủng hộ một tiến trình hợp tác ngoại giao…và kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền, cả trên đất liền và trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Ông nhấn mạnh, Mỹ và cộng đồng quốc tế cùng chia sẻ lợi ích chung trong duy trì an ninh hàng hải ở khu vực thông qua tự do hàng hải, phát triển kinh tế và tuân thủ luật pháp quốc tế. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: "Chúng tôi không ủng hộ bất kỳ điều gì làm gia tăng sự căng thẳng hiện tại; chúng tôi không nghĩ rằng điều đó là hữu ích. Những gì cần thiết là một tiến trình hợp tác ngoại giao, một tiến trình hòa bình, để giải quyết tranh chấp lãnh thổ và những vấn đề khác”.

Bắc Kinh luôn khẳng định cam kết hòa bình ở Biển Đông, nhưng quan điểm ngày càng gây hấn của họ trong vấn đề hàng hải đã gây ra sự quan ngại với các quốc gia trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) gần đây đã nhiều lần phản đối hành động ngày một gia tăng của các tàu Trung Quốc ở khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền. Từ 31/5-4/6, Philippines đã hai lần chuyển lời phản đối tới đại sứ quán Trung Quốc ở Manila. Quan chức Philippines cáo buộc lực lượng Trung Quốc đã 6 lần xâm nhập vào khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền kể từ tháng 2 tới nay, và bắn vào các ngư dân Philippines trong ít nhất một vụ việc.

Chỉ trong vòng hai tuần, các tàu Trung Quốc đã hai lần cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam khi các tàu thăm dò hoạt động trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận mọi hành động sai trái từ các tàu của họ và cảnh báo các nước láng giềng châu Á ngừng tìm kiếm dầu ở gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, thậm chí còn thề sẽ khẳng định chủ quyền của mình với khu vực giàu tiềm năng dầu khí ở Biển Đông bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước khác.

  • Thái An