Sang thời Tổng thống Mỹ Dolnald Trump và Tổng thống Philippines Duterte, vai trò trung tâm của ASEAN lại đang phải đối mặt nhiều hơn với chính những thách thức nội khối và với Mỹ.
Biển Đông nối liền Đông Nam Á với Tây Thái Bình Dương và khu vực giàu có này đã trờ thành “yết hầu” của Đông Á. Trong số 11 quốc gia Đông Nam Á, có 10 quốc gia ven biển và quốc đảo (trừ CHDCND Lào).
Sự gần gũi và tương đồng về mặt địa lý, nằm trong vùng tranh chấp ảnh hưởng giữa các nước lớn, các quốc gia Đông Nam Á nhận thức được tầm quan trọng của liên kết khu vực. Đến năm 1997, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập và tiếp tục mở rộng. Đến nay, đại gia đình ASEAN gồm 10 thành viên, trừ Timor Leste, trong đó có 9 quốc gia ven biển và quốc đảo. Với đặc trưng như vậy, có thể gọi là một “ASEAN biển”.
Đối mặt những thách thức
Sự ra đời của ASEAN-10 cho thấy Đông Nam Á đã khai thác được vị thế địa chiến lược, địa chính trị, địa kinh tế và địa văn hóa của khu vực để đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc chính trị và an ninh khu vực Đông Á và Biển Đông. Tuy nhiên, sau hơn hai thập kỷ “giấu mình chờ thời”, Trung Quốc (TQ) thực sự đã trỗi dậy để xác lập vị thế của mọt siêu cường mới nổi, cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu với Mỹ. TQ đã bắt đầu chiến lược đại dương của họ bằng cách giành ảnh hưởng ở các vùng lãnh thổ và vùng biển xung quanh. Trong đó, Biển Đông là một “lối thoát lý tưởng” để Bắc Kinh vươn rộng ra đại dương, khi mà “con đường hướng Đông” của họ vấp phải những rào cản không dễ dàng với Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc.
Cho nên, Châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á lại một lần nữa trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc nguyên trạng và mới nổi này. Đặc biệt, Biển Đông đã trở thành tâm điểm của khu vực Đông Á với nhiều lợi ích đan xen phức tạp và dính líu trực tiếp đến các quốc gia ASEAN cả trong ngắn và dài hạn. Sự thay đổi tương quan lực lượng trong quan hệ quốc tế ở Châu Á – Thái Bình Dương từ đầu thế kỷ XXI nói trên, đã thách thức vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề Biển Đông. Cho dù, TQ từng “thừa nhận” nó khi hạ bút ký Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) với ASEAN năm 2002. Trong bối cảnh như vậy, Đông Nam Á không tránh khỏi bị phân hóa trước sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quyền chính trị nước lớn.
Vai trò trung tâm của ASEAN đang đối mặt nhiều thách thức. Ảnh minh họa |
Nghiêm trọng hơn, TQ đã xây dựng các sân bay trên các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam với cái tên gọi là “Thành phố địa khu Trường Sa” thuộc thành phố “Tam Sa” mà họ đơn phương lập ra năm 2012. Đây là những bước đi phiêu lưu để thực hiện mưu đồ “quân sự hóa” Biển Đông ẩn danh dưới dạng “dân sự”, từng bước khống chế quyền tự do hàng hải và hàng không trên khu vực Biển Đông.
Động thái như vậy của TQ luôn nhằm vào nhiều mục tiêu: Phép thử để tìm cách tăng cường hiện diện quaan sự nhằm xác lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và ngăn cản từng bước quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, trong khi vẫn công khai giải thích là để phản ứng lại hoạt động tuần tra của Mỹ ở vùng này. Động thái này đồng thời cũng để “nắn gân” răn đe các nước khác trong khu vực. Đây còn là một đối sách đối với các mối quan hệ của khu vực, đặc biệt là ASEAN để ngăn chặn chiều hướng thay đổi đi ngược lại với những lợi ích của Trung Quốc.
Thời gian qua, quan hệ với các nước khu vực ASEAN đã trở thành một trong những trọng tâm của chính sách tái cân bằng về Châu Á của Mỹ. Còn bản thân ASEAN cũng có lợi ích trực tiếp ở mức độ khác nhau đối với các vấn đề của Biển Đông. Vấn đề an ninh biển có ý nghĩa đặc biệt do không chỉ liên quan trực tiếp đến các nước khu vực mà còn liên quan mật thiết đến hòa bình và an ninh trên thế giới.
So với năm 2009, năm bắt đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và ASEAN đã tăng 55% và đầu tư của các công ty Mỹ vào khu vực này đã tăng gấp đôi (226 tỷ USD). Đông Nam Á đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Mỹ và cuối năm 2015, Mỹ và ASEAN đã quyết định nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược cùng thời điểm ASEAN tái cấu trúc để trở thành một Cộng đồng trên 3 trục: kinh tế, an ninh và văn hóa. Đây là một bước phát triển quan trọng trong quan hệ song phương ASEAN – Mỹ, hứa hẹn vượt ra ngoài tính biểu tượng để tạo nên những nền tảng pháp lý giúp quan hệ hai bên phát triển thực chất và vững chắc.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands, ông Obama tiếp tục khẳng định “cam kết cá nhân, cũng như cam kết của nước Mỹ đối với mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và bền vững với từng nước Đông Nam Á cũng như với ASEAN, với tư cách một khu vực, một cộng đồng”.
Cùng với việc nâng cấp quan hệ với khối ASEAN, Mỹ đã tích cực tái cân bằng về mặt kinh tế thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 4 nước ASEAN là Singapore, Việt nam, Malaysia, Brunei - những nước có lợi ích liên quan đến Biển Đông. Về mặt an ninh – chính trị, Mỹ chuyển dần tàu chiến, quân bị với tỷ lệ 60% - 40% sang khu vực Thái Bình Dương cùng với việc củng cố các liên minh truyền thống, đẩy mạnh xây dựng các đồng minh, đối tác mới, trong đó có tăng cường hợp tác chính trị - kinh tế - quân sự với Việt Nam.
Một số chuyên gia đánh giá TPP là một sáng kiến kinh tế, nhưng ẩn sau đó là một mục đích chiến lược quan trọng. TPP bổ sung cho chính sách tái cân bằng về mặt quân sự Washington, qua đó tạo thành một chiến lược hai gọng kìm, từng bước thắt chặt các mối quan hệ toàn diện của Mỹ với các nước trong khu vực, giúp Mỹ giành được thế chủ động trong việc ứng phó với sự trỗi dậy của TQ.
Thế nhưng, chưa cần sự tác động từ TQ, tự TPP đã bị “khai tử” chỉ trong tháng đầu nhậm chức tổng thống của ông Donald Trump. Mặc dầu vậy, các nước thành viên còn lại sẽ cố gắng phục hồi TPP “không có Mỹ” theo cách riêng của họ.
Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN (ngày 15 – 16/02/2016) ở Sunnylands, bang California, Hoa Kỳ là hội nghị cấp cao đầu tiên giữa ASEAN và một nước đối tác ngay sau khi ASEAN hình thành cộng đồng. Các nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ và ASEAN đã thông qua Tuyên bố chung với 17 nguyên tắc chung định hình quan hệ Mỹ - ASEAN, trong đó đề cập khá nhiều đến tranh chấp và an ninh hàng hải, một chủ đề khiến Bắc Kinh không hài lòng. Tuyên bố chung cũng khẳng định “tôn trọng và ủng hộ tính trung tâm của ASEAN và những cơ chế do ASEAN dẫn đầu trong kiến trúc khu vực đang phát triển của Châu Á - Thái Bình Dương”.
Mặc dù, các vấn đề ở Biển Đông đều dính líu đến lợi ích của các nước và toàn khối ASEAN, và ngược lại ASEAN đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề chiến lược ở Biển Đông, nhưng rất tiếc một vài quốc gia ASEAN vẫn công khai khẳng định “Biển Đông không phải là vấn đề của ASEAN, chỉ là vấn đề song phương” và bảo lưu rằng tranh chấp Biển Đông “nên do các bên liên quan tự dàn xếp”.
Vai trò quan trọng của ASEAN và Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á không thể phủ định, nhưng Bắc Kinh đang tìm cách kiềm chế, chia rẽ bằng mọi cách, gây ra tác động xấu đến đoàn kết và sự đồng thuận nội khối ASEAN.
Một ASEAN ngày càng mạnh lên, kiến trúc mới được hình thành, thực lực ngày càng thay đổi thì vai trò trung tâm và khả năng ảnh hưởng với khu vực mới càng mạnh, và rõ ràng những hành vi của TQ cũng sẽ phải thay đổi. Tuy nhiên, sang thời Tổng thống Mỹ Dolnald Trump và Tổng thống Philippines Duterte thì vai trò trung tâm của khối này lại đang phải đối mặt nhiều hơn với chính những thách thức nội khối và với Mỹ, trong khi TQ đang cố tác động làm lung lay vị trí “tuyến đầu” của Philippines ở Biển Đông.
Sỹ Tuấn - Thu Hà