Tại hội thảo khoa học quốc gia Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc 40 năm nhìn lại (1979 - 2019) hôm qua, nhiều nhà khoa học đề nghị phải xem cuộc chiến biên giới năm 1979 như một sự kiện lịch sử quan trọng và cần có vị trí xứng đáng trong các bộ lịch sử của dân tộc.

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang (ĐHQG Hà Nội), cần xem xét một cách khách quan tính chất của cuộc chiến biên giới năm 1979. Đây là cuộc chiến không khác gì những cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang mà Việt Nam từng phải chống đỡ để gìn giữ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ trong suốt lịch sử hàng nghìn năm.

{keywords}
GS.TSKH Vũ Minh Giang

“Việt Nam chưa từng phải chống đỡ với một đạo quân lên tới 60 vạn người tấn công trên toàn tuyến biên giới trải dài gần 1.300 km. Với ưu thế áp đảo về hỏa lực và binh lực, quân TQ đã tiến sâu vào 26 điểm và chiếm giữ một số thị xã (Lao Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn) và nhiều thị trấn, huyện lỵ”, GS Giang nhắc lại lịch sử.

Ông phân tích, để lấy cớ tấn công quân sự vào lãnh thổ Việt Nam, TQ “kể tội” Việt Nam có âm mưu bành trướng, thậm chí đã “xâm phạm lãnh thổ TQ” nên cuộc tấn công là “phản kích tự vệ”, là dạy cho Việt Nam một bài học. TQ cũng đã chọn thời điểm Việt Nam đang gặp muôn vàn khó khăn của thời hậu chiến.

Tuy nhiên, sau chưa đầy 3 tuần lễ, quân TQ đã chịu những tổn thất hết sức nặng nề và ngày 5/3/1979, khi Việt Nam ban bố lệnh tổng động viên, TQ vội vàng tuyên bố rút quân.

“Dù cuộc chiến 1979 chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng đây là một sự kiện hết sức quan trọng trong lịch sử. Nó nhắc nhở Việt Nam bài học cảnh giác. Cuộc chiến đã đi vào lịch sử như một chiến công hiển hách, làm dày thêm truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc”, GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

Ông cho rằng, 40 năm cũng là một thời gian đủ dài để cả TQ và Việt Nam có điều kiện nhìn lại cuộc chiến này một cách khoa học, tìm ra phương thức xử lý tối ưu các vấn đề do lịch sử để lại.

“Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, cần có vị trí xứng đáng trong các bộ lịch sử của dân tộc, các SGK và các phương thức giáo dục lịch sử khác”, GS Giang nêu quan điểm.

{keywords}
Các đại biểu dự hội thảo

“Phương châm 'khép lại quá khứ, hướng tới tương lai’ từng được hiểu là vì tương lai mà đóng lại, không nhắc đến những trang sử về cuộc chiến 1979 nữa. Theo tôi nếu hiểu như vậy là không khoa học và chưa thỏa đáng.

Việc 'khép lại quá khứ' hoàn toàn không đồng nghĩa với việc không hay chưa nói về quá khứ mà là xác định lại sự kiện như nó đã từng xảy ra một cách khoa học, thay vì cứ đào bới, cường điệu, lợi dụng lịch sử để phục vụ cho động cơ nào đó”, GS.TSKH Vũ Minh Giang nói.

Ông lưu ý, việc hoàn toàn không nhắc tới lịch sử (cho dù sự kiện ấy là như thế nào) sẽ đồng nghĩa với che giấu lịch sử, điều không thể và không nên làm. Trình bày một cách khách quan, khoa học về cuộc chiến 1979 là cách tốt nhất để đẩy lui những luận điệu xuyên tạc, dùng lịch sử để kích động. Đồng thời, đây cũng là cách tốt nhất giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc.

“Có thể ví cuộc chiến năm 1979 giống như một vết hằn lịch sử, là một cái hố ngăn cách quan hệ hữu nghĩa giữa Việt Nam và TQ. Cách tốt nhất là làm thế nào để cái hố ấy không bị khoét rộng ra để rồi mỗi khi đi trên cái cầu hữu nghị bắc qua cái hố ấy vẫn nhìn thấy những bài học đắt giá của lịch sử để trong tương lai một cái hố tương tự không bị đào thêm nữa”, GS Giang ví von.

Nhắc lại quá khứ để ứng xử đúng đắn

GS Vũ Dương Ninh cũng nhấn mạnh, sự thực lịch sử dù vui hay buồn đều cần được ghi lại để rút ra những bài học cho đời sau.

Hơn 40 năm đã qua sau những cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhưng những sự kiện bi hùng đó không được trình bày một cách đầy đủ trong SGK, trong những công trình nghiên cứu và trên nhiều sách báo.

Theo GS Ninh, tùy theo yêu cầu của từng loại sách và cách khảo cứu của từng tác giả, những cuốn sách tuy có cách đặt vấn đề và sự diễn đạt khác nhau nhưng đều phải viết đúng sự thật lịch sử, phản ánh khách quan những điều đã diễn ra, phân tích đầy đủ bản chất của sự việc và rút ra những bài học kinh nghiệm thiết thực.

{keywords}
GS Vũ Dương Ninh

“Qua đó nêu bật những tấm gương hy sinh của đồng bào và chiến sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tất cả những người Việt Nam đã từng đổ xương máu để gìn giữ từng tấc đất, từng hòn đảo của nước Việt Nam đều xứng đáng được vinh danh và được sự tri ân của nhiều thế hệ con cháu. Các SGK về lịch sử, về văn học và nhiều môn khoa học xã hội khác cần quan tâm đầy đủ công việc này như chúng ta đã từng viết về hai cuộc kháng chiến trước”, ông đề nghị.

GS Vũ Dương Ninh cho rằng, việc này không khơi gợi hận thù song nhắc lại quá khứ để có cách ứng xử đúng đắn hôm nay và phòng ngừa cho ngày mai là điều rất cần thiết và cấp thiết đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước nhà.

Biên giới 1979: Không khoét sâu hận thù, khẳng định sự thật lịch sử

Biên giới 1979: Không khoét sâu hận thù, khẳng định sự thật lịch sử

Nhắc đến cuộc chiến đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 không phải để khoét sâu hận thù mà để nhắc lại một sự thật lịch sử.

Thu Hằng