- A là nhân viên kế toán của một công ty. Được lãnh đạo tín nhiệm, A đã bí mật làm giả một số giấy tờ để biển thủ số tiền 100 triệu đồng của công ty, tiêu xài cho mục đích riêng. Nếu A bị phát hiện thì sẽ phạm tội gì? Mức phạt bao nhiêu? Trường hợp A xin nghỉ việc trước khi bị phát hiện thì A có phải chịu trách nhiệm không?
Biển thủ công quỹ 100 triệu phạt thế nào? (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất: Nếu mục đích chiếm đoạt có trước sau đó A làm giả giấy tờ để biển thủ dùng vào mục đích cá nhân và A có thủ đoạn gian dối làm giả giấy tờ để chiếm đoạt tài sản thì cấu thành tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi thỏa mãn các yếu tố đặc trưng sau:
- Có thủ đoạn gian dối trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
- Mục đích chiếm đoạt tài sản có trước khi nhận được tài sản
“Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.”
Theo đó nếu A làm giả giấy tờ với mục tiêu chiếm đoạt 100 triệu thì căn cứ theo mục đích chiếm đoạt tài sản nếu mục đích có trước khi nhận được tài sản hành vi của A cấu thành tội theo khoản 2 Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 với khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm với giá trị tài sản là 100 triệu đồng.
Nếu A nghỉ việc trước thì vẫn phải chịu trách nhiệm khi Công ty tố cáo A theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003.
Thứ 2: Nếu A làm cho công ty nhà nước thì có thể xem xét cấu thành hành vi tham ô theo quy định tại điều 278 Bộ Luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung 2009.
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
Đồng thời, A còn phải bồi thường cho Công ty số tiền thiệt hại vật chất do A gây ra.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc