- Hợp tác biển, đại dương có thể trở thành một trong những hợp tác trụ cột ở tầm chiến lược VN-Philippines - ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao trao đổi với VietNamNet nhân chuyến thăm làm việc Philippines của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm nay.

Theo ông Trần Việt Thái, trong 38 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ VN - Philippines có 4 điểm sáng về hợp tác chính trị, nông nghiệp, kinh tế, hợp tác trong khuôn khổ ASEAN. Biển, đảo là một lĩnh vực trụ cột của quan hệ song phương.

Hợp tác biển, đại dương quan trọng nhất

Liệu 4 điểm sáng, những trao đổi hợp tác toàn diện có là cơ sở cho khả năng hai nước nâng tầm hợp tác chiến lược, thưa ông? 

Trong chuyến thăm Philippines tháng 10/2011 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo 2 nước nhất trí tiếp tục trao đổi khả năng đưa hợp tác hai nước lên tầm chiến lược. Chủ yếu dựa trên 4 điểm sáng nêu trên, trong đó quan trọng nhất là hợp tác biển, đại dương. 

Hai bên đã ký nhiều thỏa thuận, nâng cấp nhóm công tác chung về biển , đại dương thành ủy ban hỗn hợp cấp thứ trưởng ngoại giao về biển, đại dương. 

Thứ hai là hợp tác nông nghiệp: ngoài lúa gạo, Philippines có nhiều thế mạnh về nuôi trồng thủy hải sản. VN có nhiều kinh nghiệm, hai bên có thể thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.

{keywords}
Kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình thì vấn đề Biển Đông sẽ từng bước được giải quyết. Ảnh: XL

Thứ ba là hợp tác kinh tế, có thể đẩy mạnh hợp tác công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng tiêu dùng tầm trung phục vụ đời sống dân sinh. Đây là lĩnh vực DN ta có thế mạnh, người dân Philippines cần.

Thứ tư là hợp tác quốc tế trong khuôn khổ ASEAN để đảm bảo hòa bình ổn định, kể cả hợp tác trong gìn giữ hòa bình. Philippines từng gửi quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, có thể chia sẻ kinh nghiệm với VN.

Hợp tác trong khuôn khổ quốc tế, khu vực, đặc biệt là ASEAN sẽ là một trụ cột quan trọng thời gian tới.

DN Philippines làm ăn khá tích cực ở VN, nhưng theo chiều ngược lại thì DN VN dường như mới dừng ở hoạt động xuất khẩu gạo sang Philippines. Theo ông, các nhà đầu tư VN có thể tận dụng cơ hội mở rộng kinh doanh ở Philippines, một thị trường hơn 96 triệu dân? Ví dụ như nên đầu tư vào lĩnh vực nào, những đặc điểm của thị trường Philpipines ?

Ngoài lợi thế thị trường đông dân, kiều hối của Philippines đứng hàng đầu thế giới. Thế mạnh nữa là người Philippines đi khắp nơi trên thế giới, có mạng lưới liên kết trong và ngoài nước tốt, nói thành thạo tiếng Anh.

Ngoài lúa gạo, một lĩnh vực thế mạnh của Philippines mà rất phù hợp với VN là nuôi trồng chế biến thủy hải sản. Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi 2011, Philippines cũng chính thức đề nghị VN xem xét đầu tư vào lĩnh vực dầu khí. VN đang nghiên cứu, thời gian tới có thể có bước đi thúc đẩy hợp tác trong vấn đề này.

Người Philippines quý người Việt

Cộng đồng người Việt ở Phillippines có thế mạnh gì có thể phát huy để góp phần củng cố quan hệ hợp tác song phương? Di sản của giai đoạn thuyền nhân Việt Nam có còn ảnh hưởng gì đến việc tập hợp, đoàn kết cộng đồng này hướng về Tổ quốc hay không?

Cộng đồng người Việt ở Philippines có khoảng 1.000 người.

Số người Việt sang đây ngày càng tăng, thông qua các hoạt động khác nhau, làm ăn kinh doanh, lưu học sinh ngày càng tăng. Thế mạnh đặc biệt là bà con thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là tình yêu hướng về biển đảo Tổ quốc thông qua những đóng góp cụ thể.

Di sản của giai đoạn thuyền nhân hiện nay đã trở thành quá khứ rồi. Trước đây đúng là có thời kỳ một số thuyền nhân có những tác động nhất định đối với cộng đồng ở đây do những điều kiện kinh tế khó khăn, do ám ảnh ký ức của quá khứ. Nhưng hiện nay những cái này gần như không còn.

Chia sẻ nguy cơ, thách thức về an ninh hàng hải

Hiện nay VN và Philippines có mối quan tâm chung là vấn đề Biển Đông. Theo quan sát của ông, chính giới và dư luận Philippines nhìn nhận như thế nào về vai trò của Việt Nam trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định của khu vực ?

Philippines nhìn nhận VN là một quốc gia phát triển năng động, ngày càng tự tin, có vai trò ngày càng quan trọng trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực, đặc biệt khâm phục ý chí vươn lên, vượt qua khó khăn của người VN trước và sau chiến tranh. 

Trong khuôn khổ khu vực, họ nhìn nhận VN là nước ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định ở khu vực và ở trên thế giới, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông. Hai nước có cùng chia sẻ nhiều quan ngại không chỉ về Biển Đông, mà còn cả những thách thức phát triển dài hạn như các nguy cơ an ninh phi truyền thống.

Sau những diễn biến vừa qua trên Biển Đông liên quan đến căng thẳng giữa Philippines và TQ, Philippines có xu hướng mở rộng và tìm kiếm sự hậu thuẫn bên ngoài ASEAN. Ông có nghĩ rằng xu hướng này sẽ tiếp tục củng cố trong thời gian tới? Liệu điều đó sẽ tác động như thế nào đến việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông và vai trò trung tâm mà ASEAN mong muốn ?

Đối với Biển Đông, Philippines đang triển khai theo 3 hướng: tập trung tăng cường xây dựng tiềm lực, thực lực ở trong nước để tự chủ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, dựa vào ASEAN, luôn coi ASEAN là nhân tố quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo và duy trì hòa bình bình, ổn định của họ. Nhưng bên cạnh đó cũng đồng thời hướng ra bên ngoài, tranh thu điều kiện bên ngoài. 

Theo đó có hai hướng chính: Philippines gần đây nhất nộp đơn lên tòa án Luật Biển LHQ để đề nghị phán xử của tòa án này về tính pháp lý của đường lưỡi bò 9 đoạn. Hai là, tăng cường quan hệ đối tác với các đồng minh, bạn bè trên thế giới. 

Những điều này tác động thế nào đến hòa bình ổn định, đến giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thì cần theo dõi thêm vì quá trình giải quyết vấn đề Biển Đông vô cùng phức tạp. 

Vai trò trung tâm của ASEAN rất quan trọng, trong quá trình giải quyết vấn đề Biển Đông, một vấn đề có nguy cơ tạo ra thách thức đối với hòa bình an ninh ổn định do vậy ASEAN cần phải có tiếng nói chung, đoàn kết. 

Nếu Philippines phối hợp tốt với các nước trong ASEAN và bạn bè kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình, kể cả biện pháp pháp lý như luật quốc tế cho phép thì sớm muộn vấn đề Biển Đông sẽ từng bước được giải quyết.

Xuân Linh