- "Các bạn trẻ bây giờ cứ cắm đầu hát, cắm đầu vào khoe hình thể hay áo quần, phải cần nhiều đến kĩ xảo hay cố thể hiện kĩ thuật mà phần nhiều chẳng hiểu thế nào là kĩ thuật. Cần phải dùng đến kĩ xảo nhiều hơn có nghĩa là không đủ khả năng để thuyết phục giọng hát của mình với người nghe" - ca sĩ Ánh Tuyết.


Tiếp tục bài phỏng vấn nghệ sĩ Cao Minh với nhận xét thẳng thắn về lối hát lạm dụng kỹ thuật của nhiều ca sĩ trẻ hiện nay, VietNamNet phỏng vấn nghệ sĩ Ánh Tuyết. {keywords}

Nhân cách đạo đức nghề nghiệp mới là điều cần phải có

Gần đây trong trao đổi của báo chí với NSƯT Cao Minh, ông nói rằng ông đã chán cách ca sĩ hiện nay "hát với quá nhiều thủ thuật, hát vô hồn, hát mà người hát không hiểu nội dung tác phẩm muốn nói gì". Chị có đồng cảm với suy nghĩ này?

- Lớp ca sĩ trẻ hiện nay có nhiều em có giọng hát tốt, giọng hát đẹp cũng có. Thế nhưng, hát thế nào cho đẹp, hát cho tốt thì lại khác. Giọng tốt khác với cách hát tốt. Giọng đẹp cũng rất khác với cách hát đẹp. Biết hát khác với cái gọi là "khoe" một cách vô cảm.

Các bạn trẻ bây giờ dựa vào sự hỗ trợ của kĩ thuật kĩ xảo nhiều hơn. Cũng có một số bạn thừa khả năng để truyền đạt bằng chính nội lực của chính mình thì các bạn lại cùng chạy đua theo cái lối ăn xổi ở thì đánh bóng tốc độ để thỏa mãn ham muốn được nổi danh mà quên đi cốt lõi căn bản và đơn giản hết sức là phải hát thế nào cho người nghe cảm nhận được cái hồn và nhìn thấy được tài năng thật sự của chính mình.

Hiện nay các bạn có nhiều thuận lợi về công nghệ và điều kiện. Thứ nhất, có nhiều điều kiện để học hỏi và đốt cháy giai đoạn từ những người đi trước. Ngày xưa, thế hệ chúng tôi khi thể hiện một bài hát, ngoài dựa vào khả năng vốn có cũng cần phải dựa vào những người đi trước để học hỏi và sàng lọc để tìm ra cho mình một phương cách tốt đóng góp cho người nghe và cho cả nền nghệ thuật, nói chung bằng trách nhiệm của người hoạt động, làm nghệ thuật với công chúng.

Tất nhiên, chúng tôi cũng bắt chước để học hỏi, để loại bỏ và để phát triển chứ không học vẹt. Mình dựa vào người đi trước để thấy cái nào hay, và hợp với khả năng mình. Cái nào không phù hợp mình loại trừ. Những người đi trước họ đã luôn là phương tiện giúp tạo cho chúng ta người đi sau những bước giai đoạn và kinh nghiệm vô cùng quý báu.

Một số bạn trẻ bây giờ cứ cắm đầu hát, cắm đầu vào khoe hình thể hay áo quần, và dựa vào kĩ thuật, kĩ xảo công nghệ là để hỗ trợ và làm đẹp mắt người xem. Đó không phải là cái nhất thiết phải có để phô diễn thực tài. Họ quên mất điều cơ bản cốt lõi là tài năng tìm tài năng và nhân cách đạo đức nghề nghiệp mới là điều cần phải có!

Ưu tiên hàng đầu của chị trong việc thể hiện một tác phẩm là gì?

- Tôi cho rằng là một nghệ sĩ hát, thì mình phải biết mình đang làm gì. Mình phải là một sứ giả thực thụ, phải biết chuyển tải nội dung của tác phẩm và tâm hồn của tác giả đến cho người nghe cảm nhận điều tác giả gửi gắm trong tác phẩm. Đó là vấn đề cần phải có, phải được chú trọng, được ưu tiên hàng đầu.

Bởi vì tác giả là người viết ra ca khúc. Họ muốn nói lên nỗi lòng của họ, muốn chia sẻ tâm tình của họ hoặc họ muốn kể những câu chuyện đời, chuyện tình của chính họ và của thời cuộc mà họ cảm nhận bằng cách hát riêng của họ.

Người ca sĩ khi đã nhận tác phẩm của nhạc sĩ để chuyển tải đến mọi người, thì lẽ dĩ nhiên phải hiểu được điều đó, phải hiểu trách nhiệm của mình với tác phẩm và nhiệm vụ của mình với người nghe. Người sáng tác đã vẽ nên bức tranh đa diện bằng âm nhạc, thì người ca sĩ luôn có nhiệm vụ đánh bóng, nuôi dưỡng và truyền tải tác phẩm đó bằng tài năng của chính mình để đưa tác phẩm đó đi vào được tâm hồn người thưởng thức... những điều mà tác giả muốn nói với người nghe. Mọi thứ phải đi từ trái tim đến trái tim.

Hãy hiểu kỹ thuật trong trường lớp không phải là theo kiểu học vẹt hay bắt chước. Mà kỹ thuật chính là việc ta biết dùng nó như thế nào, ở thể loại nào thì hát theo cách nào. Và không gian nào thì hát theo phong cách nào. Trong cách hát, ta phải biết vận dụng, phân định sao cho hợp lý cách hát cách trình bày truyền đạt đến người nghe ở mỗi không gian... Làm được điều đó mới có thể gọi là kỹ thuật.

{keywords}
Ca sĩ Ánh Tuyết bên tiếng đàn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Kỹ thuật không có nghĩa là la, là rống, là ré lên, là to họng

Kỹ xảo khác gì với kĩ thuật, thưa chị?

- Kỹ xảo là những gì người ta ma mị thêm để làm đẹp hoặc hay hơn bằng cái không thật, có người đã lợi dụng quá mức để đánh lừa cảm giác người nghe, người xem.

Kỹ thuật không có nghĩa là la, là rống, là ré lên, là to họng... Biểu hiện kỹ thuật không phải là việc khoe hết cỡ giọng để chứng tỏ giọng ta tốt hay giọng ta khỏe. 

Hát có nghĩa là phải làm đẹp âm thanh giọng nói và từ ngữ phát ra nghe hay và đẹp hơn, làm sao giai điệu và nội dung ca từ đi đến được trái tim của người nghe hiểu hơn bằng tận sâu trong tâm hồn và ý nghĩ, làm sao thu hút được cái nhìn và cái nghe của người ta, mới gọi là hát.

Vấn đề nữa của các ca sĩ trẻ có phải do các bạn ấy đã chọn bài quá dễ không? Vì hiện nay nhiều bài hát cũng chẳng có nội dung gì và ca sĩ không thể đào sâu tư duy được?

- Đúng. Ở đây có một phần rất lớn là nội dung cũng như giai điệu bài hát bây giờ đa phần là quá đơn giản. Có thể một số bạn chọn những bài đó bởi vì khả năng của các bạn không tới, cho nên chọn những bài có nội dung đơn thuần, giai điệu đơn giản. Kết quả là các bạn cần phải dùng đến kĩ xảo nhiều hơn.

Các bạn đó không đủ khả năng để thuyết phục giọng hát của mình với người nghe. Trong điều kiện hoạt động nghệ thuật hiện nay chúng ta có quá nhiều chiêu cách và cũng có nhiều điều kiện để đạt được. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn trẻ, nhưng cũng là thách thức và có thể là sự đánh đổi rủi may khá lớn với các bạn trẻ đó.

Xin cảm ơn chị!

Hồ Hương Giang