Báo The Nation đưa tin, người biểu tình cho biết, ông Prayut đã nắm quyền Thủ tướng 8 năm, khiến kinh tế đất nước trì trệ, người lao động tuyệt vọng vì lương không theo kịp chi phí sinh hoạt đang tăng nhanh và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Một lãnh đạo biểu tình cho biết, đã tới lúc phải nói lời tạm biệt với Thủ tướng đương nhiệm. 

Người biểu tình kêu gọi Thủ tướng Prayut từ chức vào ngày 24/8 với lập luận thời gian nắm quyền của ông đã đạt tới giới hạn 8 năm theo hiến pháp. 

Phe đối lập tại Thái Lan tin rằng, ngày cuối cùng trên cương vị Thủ tướng của ông Prayut nên là 23/8. Họ lưu ý rằng quy định hiện hành chỉ cho phép một người nắm giữ vị trí Thủ tướng không quá 8 năm và ông Prayu đã trở thành Thủ tướng lâm thời của Thái Lan từ 24/8/2014, sau cuộc đảo chính vào tháng 5 cùng năm. 

Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: AP

Một nhóm lớn người biểu tình đã tổ chức các cuộc tuần hành đếm ngược trước tòa thị chính ở Bangkok từ cuối tuần trước để đòi Thủ tướng từ chức. 

Theo hãng tin AP, hôm qua (22/8), tòa án Hiến pháp Thái Lan đã nhận được đơn kiến nghị có chữ ký của 171 thành viên Hạ viện, đề nghị tòa ra phán quyết về một điều khoản trong hiến pháp, vốn giới hạn thời gian nắm quyền của Thủ tướng là 8 năm. 

Ngày mai, Tòa án Hiến pháp Thái Lan được cho là sẽ thông báo về việc có đưa ra phán quyết với kiến nghị trên không. Hiện cũng chưa rõ, nếu tòa án tiếp nhận đơn kiến nghị thì họ có quyết định tạm đình chỉ chức vụ Thủ tướng của ông Prayuth cho tới khi phán quyết được đưa ra hay không. 

Những người ủng hộ Thủ tướng Prayut lập luận, theo hiến pháp hiện thời của Thái Lan - có bao gồm điều khoản thủ tướng chỉ có thể nắm quyền trong 8 năm, bắt đầu có hiệu lực vào 6/4/2017 vì thế nên coi đây là ngày bắt đầu. 

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, mức độ được ưa chuộng của Thủ tướng Prayut đang ở mức thấp.