Cách đây 40 năm, nhà sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới vẫn mới chỉ là một startup (công ty mới khởi nghiệp), không hơn không kém. Microsoft được thành lập bởi hai sinh viên bỏ học có tên Bill Gates và Paul Allen. Ngày nay, Microsoft có hơn 125.000 nhân viên; Windows - hệ điều hành họ phát triển, đang được dùng trên khoảng 90% số máy tính trên toàn thế giới. Microsoft là công ty có giá trị lớn thứ ba toàn cầu, chỉ sau hãng dầu khí Exxon Mobil, và Apple - đối thủ lâu năm của họ.

Cuối tuần trước, Microsoft kỷ niệm sinh nhật tròn 40 năm, và Gates - người làm Giám đốc điều hành công ty trong 25 năm trước khi từ chức hồi năm 2000 - đã đưa ra những lời khuyên cho nhân viên Microsoft để tham khảo trong tương lai: "Đưa công nghệ đến với mọi người, kết nối con người với nhau và phổ biến điện toán cá nhân ở khắp mọi nơi". 

Trong email gửi nhân viên Microsoft hôm thứ Sáu tuần trước, Gates nhắc lại cam kết của ông với tầm nhìn ông đã đưa ra 40 năm về trước rằng phần mềm có thể trao quyền năng cho thế giới, và yêu cầu Microsoft không bao giờ quên những gì mà công ty có thể làm để thay đổi cuộc sống. "Điều quan trọng nhất là chúng ta sẽ làm gì tiếp theo" - ông cho viết trong email.

Gates hiện không còn tham gia quá nhiều vào hoạt động tại Microsoft, ngoài việc cố vấn cho CEO Satya Nadella. Ông muốn tập trung thời gian của mình vào công tác từ thiện. Bill Gates hiện là đồng chủ tịch của quỹ Bill & Melinda Gates Foundation. Ông cũng đang là người giàu nhất thế giới, và danh hiệu này được Gates nắm giữ 16 lần trong 21 năm gần đây. Tuy nhiên, ông cũng hứa sẽ cho đi 95% tài sản của mình cho các quỹ tài trợ khi qua đời. Cho đến nay, ông đã bỏ ra 28 tỷ USD để làm từ thiện. 

Dưới đây là toàn bộ bức thư Gates gửi cho nhân viên Microsoft:

Ngày mai là một ngày đặc biệt: Microsoft tròn sinh nhật 40 năm. 

Trong những ngày đầu, Paul Allen và tôi đưa ra mục tiêu mỗi hộ gia đình sẽ có cho mình một chiếc máy tính. Đó là một ý tưởng táo bạo và rất nhiều người cho rằng chúng tôi đã mất trí khi muốn hiện thực hóa viễn cảnh đó. Thật tuyệt vời khi nghĩ về việc điện toán đã phát triển như thế nào kể từ đó đến nay, và tất cả chúng ta đều có thể tự hào về vai trò của Microsoft trong cuộc cách mạng này. 

Tuy nhiên, hôm nay tôi đang nghĩ nhiều về tương lai của Microsoft hơn là quá khứ. Tôi tin điện toán sẽ phát triển nhanh hơn, với tốc độ chưa từng có trong vòng 10 năm tới. Chúng ta hiện đang sống trong một thế giới đa nền tảng, và máy tính sẽ còn trở nên phổ biến hơn nữa. Chúng ta đang ở gần thời đại mà máy tính và robot có thể nhìn thấy, di chuyển, tương tác một cách tự nhiên, mở đường cho nhiều ứng dụng mới, và nâng cao vị thế con người hơn nữa. 

Dưới sự lãnh đạo của Satya, Microsoft có điều kiện tốt hơn bao giờ hết để đi đầu những công nghệ tiên tiến đó. Chúng ta có nguồn lực để giải quyết các vấn đề khó khăn. Chúng ta đang tham gia vào mọi khía cạnh của điện toán hiện đại và có sự cam kết sâu sắc nhất để thực hiện các nghiên cứu. Trong vai trò cố vấn kỹ thuật cho Satya, tôi đã tham gia đánh giá sản phẩm và ấn tượng với tầm nhìn và tài năng mà tôi thấy. Kết quả được thể hiện rõ trong các sản phẩm như Cortana, Skype Translator, và HoloLens - và đó mới chỉ là một số ít trong rất nhiều cải tiến đang được thực hiện.

Trong những năm tới, Microsoft có cơ hội để tiếp cận với nhiều hơn nữa người dùng cũng như các tổ chức trên toàn thế giới. Công nghệ vẫn là thứ mà nhiều người chưa được tiếp cận bởi nó phức tạp và chi phí đắt đỏ, hoặc đơn giản là họ không thể tiếp cận. Bởi vậy tôi hy vọng rằng các bạn sẽ nghĩ về việc sẽ làm như thế nào để mọi người có thể tiếp cận được công nghệ, để kết nối mọi người với nhau, đưa điện toán cá nhân có mặt khắp mọi nơi.

Chúng ta đã cùng nhau hoàn thành nhiều nhiệm vụ trong suốt 40 năm qua và đã giúp cho rất nhiều người dùng, doanh nghiệp nhận ra những tiềm năng của họ. Tuy nhiên, giờ đây quan trọng nhất là chúng ta sẽ làm gì tiếp theo. Cảm ơn các bạn vì đã giúp Microsoft trở thành một công ty tuyệt vời, ở cả thời điểm hiện tại lẫn nhiều thập niên sắp tới".