- Đang chạy với tốc độ 80 đến 100km/h trên cao tốc, mà bình cứu hỏa nổ, làm bị thương tài xế, xe bị mất kiểm soát, thì mọi chuyện sẽ ra sao? Rất nhiều chủ phương tiện lo lắng về sự an toàn của mình khi có bình chữa cháy trên xe.
Sau khi cơ quan chức năng yêu cầu phải trang bị bình cứu hỏa trên xe ô tô từ ngày 6/1/2016, nhiều chuyên gia và chủ phương tiện tỏ ra rất lo lắng cho sự an toàn mỗi khi vận hành.
Anh Trần Ngọc Chương ở 175 Nguyễn Khang, Cầu Giấy (Hà Nội) - chủ nhân chiếc Toyota Innova - cho biết, chi phí mua bình cứu hỏa loại 1 kg trang bị trên xe không quá tốn kém, chỉ khoảng 300.000 đồng trở lại. Với những người bỏ ra cả trăm triệu đến hàng tỷ đồng để mua xe, số tiền này không đáng là bao.
Tuy nhiên, mua rồi, tìm chỗ đặt bình và những sự cố có thể do bình chữa cháy gây ra lại khiến các bác tài lo ngại.
Nhiều người lo ngại không biết đặt bình chữa cháy ở đâu trên ô tô cho đảm bảo an toàn |
Anh Chương nói, mấy ngày nay anh lái xe mà không thấy yên tâm. Cứ nhìn thấy cái bình cứu hỏa màu đỏ chói để trên xe, dù đã mua loại tốt nhất, có kiểm định của cơ quan chức năng, lại sợ hãi.
“Chợt nghĩ, đang chạy với tốc độ 80 đến 100km/h trên cao tốc mà bình cứu hỏa nổ, làm bị thương tài xế, xe bị mất kiểm soát, thì mọi chuyện sẽ ra sao? Không chỉ riêng tôi có cảm giác như vậy, mà nhiều lái xe khác khi nói chuyện cũng đều nghĩ giống nhau. Dù chưa có chuyện gì xảy ra, nhưng lái xe mà tâm lý bất an, thì điều khiển xe liệu có an toàn”, anh Chương đặt câu hỏi?
Rất nhiều nghi ngại khác được đặt ra: Bình cứu hỏa bán trên thị trường, có rất nhiều sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, chất lượng ra sao? Bình cứu hỏa là để bảo vệ tính mạng và tài sản, nhưng nếu không đảm bảo kỹ thuật, thì chính nó lại là mối nguy hiểm bậc nhất cho chủ xe. Với chất lượng bình cứu hỏa ở Việt Nam như hiện nay, nguy cơ gây ra tai nạn là rất có thể.
Thậm chí, có những ý kiến khá cực đoan từ các chủ xe, cho biết, thà chấp nhận bị phạt, thậm chí phạt nhiều lần, mỗi khi CSGT hay phòng cháy chữa cháy hỏi tới bình chữa cháy, nhưng nhất quyết không bao giờ dại dột để "quả bom" này trong xe!
Trước đây, Bộ GTVT chỉ bắt buộc lắp bình cứu hỏa chỉ áp dụng với các loại xe chở khách từ 10 chỗ trở lên. |
Ông Nguyễn Minh Đồng, Việt kiều CHLB Đức, chuyên gia thiết kế ô tô, từng làm việc tại hãng xe Volkswagen, cho rằng, với ô tô cá nhân, các nhà sản xuất trên thế giới khi thiết kế xe, không tích hợp bình cứu hỏa, hay khuyến cáo nên lắp đặt, là có nguyên do. Bởi ô tô cá nhân có độ an toàn cao, tỷ lệ xe bị cháy nổ hàng năm rất thấp. Các quốc gia có tiêu chuẩn an toàn cao hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, EU,... cũng không tích hợp và sử dụng bình chữa cháy trên xe cá nhân.
Bình cứu hỏa vốn là loại thiết bị khó bảo quản. Không chỉ dễ nổ khi gặp nhiệt độ tăng cao, mà ngay cả khi lái xe trong điều kiện không ổn định như đường gập ghềnh, xóc... cũng có thể làm cho áp suất trong bình tăng và có nguy cơ gây nổ. Đặc biệt, khi xe gặp nạn, thì các vật dụng để trong xe cũng có nguy cơ gây tai họa. Hay khi xe gặp tai nạn, nó có thể nổ và làm tăng thêm độ nghiêm trọng. Điều này có được các cơ quan chức năng tính đến khi ra Thông tư 57?
Trong trường hợp nếu xảy ra thiệt hại do bình cứu hỏa không được bảo quản đúng điều kiện gây nên, thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả, ông Đồng cũng như nhiều chủ xe, đặt câu hỏi.
Trong khi đó, theo quy định các hạng mục kiểm tra hiện nay, đối với xe con dưới 9 chỗ ngồi của Bộ GTVT, không có hạng mục kiểm tra bình cứu hỏa. Quy định bắt buộc lắp bình cứu hỏa chỉ áp dụng với các loại xe chở khách từ 10 chỗ trở lên.
Đại diện Toyota Việt Nam cho biết, trước đây khi lắp ráp mẫu xe Hiace 16 chỗ trong nước, theo quy định của cơ quan đăng kiểm, công ty thiết kế vị trí đặt và trang bị bình chữa cháy trong xe. Bình này đạt tiêu chuẩn, dành riêng cho ô tô, đã được thử nghiệm và được Toyota Nhật Bản cho phép.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho hay đang lấy ý kiến các DN thành viên và đưa ra khuyến cáo cho khách hàng về tiêu chuẩn với bình cứu hỏa dành cho ô tô và vị trí lắp đặt bình.
Theo ông Đồng, rất khó kiểm soát về chất lượng với bình chữa cháy bán trên thị trường. Vì vậy, cơ quan chức năng cần đặt hàng đơn vị sản xuất, cho ra đời các loại bình chữa cháy dành riêng cho ô tô; hoặc yêu cầu DN sản xuất ô tô phải trang bị bình cứu hỏa đủ tiêu chuẩn, trước khi bán cho khách hàng.
Trần Thủy