{keywords}
UBND tỉnh Bình Định chính thức khai trương Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh do FPT phối hợp đầu tư và triển khai.

Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) là nội dung then chốt nằm trong quyết định do UBND tỉnh Bình Định ban hành về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn. Theo đó, Trung tâm IOC được xây dựng nhằm giúp chính quyền giám sát, điều hành tập trung các lĩnh vực thông qua một nền tảng công nghệ chung duy nhất; cung cấp số liệu toàn diện về các hoạt động trên địa bàn tỉnh; cho phép người dân tiếp cận nguồn dữ liệu để phục vụ phát triển các dịch vụ, ứng dụng thông minh, từ đó kết nối chặt chẽ thông tin và tương tác giữa cơ quan Nhà nước, chính quyền và người dân, doanh nghiệp.

Được triển khai trong vòng 6 tháng, Trung tâm IOC tỉnh Bình Định đã hoàn thành theo đúng tiêu chuẩn và hướng dẫn của Bộ TT&TT với 5 dịch vụ cơ bản và 3 dịch vụ mở rộng gồm: Dịch vụ phản ánh hiện trường; Dịch vụ giám sát, điều hành giao thông; Dịch vụ an ninh trật tự đô thị; dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng; Dịch vụ giám sát an toàn thông tin; Dashboard tổng hợp giám sát, điều hành; Hệ thống giám sát dịch vụ công; Hệ thống thông tin kinh tế xã hội. Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh cũng tích hợp các hệ thống thông tin đã được những đơn vị trên địa bàn triển khai như hệ thống thông tin giám sát tàu cá, Cổng thông tin Covid-19 tỉnh Bình Định, hệ thống theo dõi các trạm BTS…

Trong 15 ngày qua, tỉnh đã thử nghiệm các dịch vụ với ứng dụng và dịch vụ tiện ích, ghi nhận phản hồi tích cực của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, chứng tỏ nếu không triển khai các công cụ theo dõi, giám sát, phân tích dựa trên nền tảng công nghệ mới thì công tác quản lý, điều hành gặp khó khăn và cần huy động nhiều nguồn lực.

Trung tâm IOC Bình Định ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ 4.0 như công nghệ IOT (kết nối vạn vật) trong việc kết nối các sensor, camera giám sát, hệ thống quản lý dữ liệu video và phân tích hình ảnh cho phép hiển thị video dưới dạng lưới thông qua việc tích hợp tất cả các camera của tỉnh. Ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong việc phân tích từ ngữ, phân tích dữ liệu lớn phục vụ giám sát bảo mật, an toàn thông tin, giám sát thông tin báo chí, thông tin truyền thông trên không gian mạng và hỗ trợ tra cứu, trả lời tự động, phục vụ người dân. Hệ thống phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại như Big data, BI, trong việc tích hợp, phân tích, cung cấp các báo cáo, thống kê phục vụ lãnh đạo tỉnh ra các quyết định để phát triển kinh tế - xã hội.

Triển khai và vận hành theo nguyên tắc Hạ tầng dùng chung và cơ sở dữ liệu tập trung, tất cả các hoạt động đầu tư hệ thống cảm biến phục vụ cho dịch vụ đô thị thông minh của các ngành đều kết nối, truyền dữ liệu về trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh. Từ đó, sử dụng công nghệ để chia sẻ, phân quyền cho các ngành, là cơ sở quan trọng để hình thành kho dữ liệu lớn dùng chung.

Đặc biệt, dự án thể hiện sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Bình Định đã huy động mọi nguồn lực, kinh phí cho việc xây dựng đô thị thông minh từ ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa. Tổng chi phí bước đầu thí điểm từ nguồn ngân sách của tỉnh là 15 tỷ đồng dùng để mua sắm trang thiết bị phần cứng. Nguồn vốn xã hội hóa lên tới hàng chục tỉ đồng do FPT đầu tư bao gồm chi phí xây dựng các hệ thống phần mềm, chi phí thuê các hệ thống phần cứng tại nền tảng đám mây (cloud) của FPT, chi phí đường truyền và nhân sự hỗ trợ vận hành hệ thống trong giai đoạn thí điểm.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Tuy mới vận hành thử nghiệm nhưng Trung tâm IOC bước đầu phát huy tính năng, hiệu quả, giúp cho lãnh đạo tỉnh có cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời đưa ra ý kiến chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc minh bạch, nhanh chóng. Qua đó, góp phần nâng cao công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, hướng đến xây dựng một chính quyền điện tử và đô thị thông minh phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Thông qua ứng dụng Bình Định SmartCity, người dân có thể phản ánh thông tin, ý kiến về cho chính quyền một cách nhanh nhất và các cơ quan chức năng có trách nhiệm trả lời người dân sớm nhất. Đây là bước đi cực kỳ quan trọng trong việc đẩy nhanh chuyển đổi số của chính quyền và các mặt của đời sống xã hội, phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định: “FPT có chung mục tiêu và khao khát đưa tỉnh Bình Định trở thành trung tâm kinh tế và trung tâm AI dẫn đầu khu vực Duyên hải miền Trung. Chúng tôi đã và đang đồng hành, đầu tư nghiêm túc, lâu dài cùng với Bình Định thông qua các dự án lớn về giáo dục, Chính phủ điện tử, đô thị thông minh. Chúng tôi quan tâm và đặt lên hàng đầu giá trị hiệu quả sử dụng thực tiễn của các giải pháp, giúp tỉnh có được phương thức điều hành thông minh, ra quyết định nhanh chóng, chính xác, giảm thiểu tối đa các vấn đề gây trở ngại cho người dân, doanh nghiệp, từ đó gia tăng tối đa các cơ hội phát triển để trở thành điểm đến hấp dẫn”.

Nguyễn Thái

Phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt với quá trình chuyển đổi số địa phương

Phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt với quá trình chuyển đổi số địa phương

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, trong bối cảnh Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, phát triển đô thị thông minh chính là chuyển đổi số trong đô thị đó. Thành phố thông minh không thể tách rời quá trình chuyển đổi số địa phương.