Trong kế hoạch giảm nghèo năm 2024-2025, tỉnh Bình Định cho biết sẽ xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh bổ sung Nghị quyết quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh hỗ trợ thêm 0,5 lần so với mức chuẩn trợ giúp xã hội hằng tháng cho nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ 36 tháng khi thoát hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Thông tin tại buổi làm việc giữa Thường trực HĐND tỉnh Bình Định với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương về kết quả triển khai, tổ chức thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về LĐ-TB&XH diễn ra cuối tháng 10 cho thấy, trong giai đoạn 2021-2024, Bình Định có 25.027 hộ nghèo thoát nghèo.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 1,44%/năm. Với hộ cận nghèo, có 14.519 hộ thoát cận nghèo, bình quân mỗi năm giảm 1,12%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 3,49%/năm với hơn 7.500 hộ nghèo dân tộc thiểu số thoát nghèo.
Huyện nghèo An Lão có tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 8,41%/năm với 2.990 hộ nghèo thoát nghèo; tỷ lệ giảm hộ cận nghèo bình quân 4,5%/năm với 1.223 hộ cận nghèo thoát cận nghèo.
Hiện nay, Bình Định còn 13.384 hộ nghèo (tỷ lệ 3,13%), 13.326 hộ cận nghèo (3,02%). Thời gian qua, đã có trên 409 dự án phát triển sản xuất được đầu tư nhân rộng, giúp cải thiện điều kiện kinh tế hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2019 đến 2024, từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn huy động, Bình Định đã hỗ trợ cho 7.329 hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng mới và sửa chữa nhà ở.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, các chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác như y tế, giáo dục, nước sinh hoạt đã được giải quyết, đảm bảo mọi người dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ kịp thời, luôn có cơ hội vươn lên trong lao động sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Trong năm 2024, Bình Định phấn đấu giảm 8.848 hộ nghèo. Đây là mục tiêu được nêu trong kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2024 - 2025 được tỉnh ban hành vào tháng 6. Cụ thể, tỉnh quyết tâm đưa tỷ lệ hộ nghèo về còn 1,13% (tức là giảm 2% so với năm 2023). Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bình Định sẽ thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (dự kiến cả nước còn từ 1,93% - 1,83%).
Năm 2025, tiếp tục duy trì tỷ lệ nghèo của tỉnh thấp hơn bình quân chung của cả nước. Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh dưới 0,7% so với tỷ lệ hộ nghèo cả nước (dự kiến cả nước còn từ 0,9%-0,8%). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3 đến 4%/năm.
Một số xã, phường của thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn không còn hộ nghèo. Các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo dưới 6%. Huyện nghèo An Lão thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Tỉnh cũng đề ra các giải pháp về đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận đầy đủ thẻ BHYT. Hỗ trợ về giáo dục và đào tạo cho gần 100.000 trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông, sinh viên tại các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ vay tín dụng học sinh, sinh viên.
Trong 2 năm 2024-2025, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 3.379 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh; huy động từ các nguồn ngoài ngân sách và vốn vay tín dụng ưu đãi cho 1.055 hộ nghèo, cận nghèo chưa tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 5.183 hộ chưa tiếp cận nhà tiêu hợp vệ sinh.
Đối với huyện nghèo An Lão, cuối năm 2024, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn 17,23%; đến cuối năm 2025 tỷ lệ này còn dưới 6%. Mục tiêu thách thức này được huyện chú trọng, tập trung các giải pháp căn cơ, cụ thể ngay từ đầu năm. Trong đó, cuối năm nay, huyện sẽ hoàn thành cấp đất và chuyển đổi nghề cho 420 hộ thiếu đất sản xuất. Đây là điều kiện quan trọng để các hộ dân, trong đó có hộ nghèo có tư liệu sản xuất, tạo sinh kế.
Tại thị xã An Nhơn, nơi cần đưa tỷ lệ nghèo đa chiều về 1,86% vào cuối năm 2024 (tương đương 963 hộ), lãnh đạo địa phương cho biết một trong những khó khăn của công tác giảm nghèo ở đây là 44 hộ nghèo neo đơn, già cả không nơi nương tựa. Các hộ này đang nhận hỗ trợ hằng tháng từ 750.000 - 1.000.000 đồng. Nếu chuyển sang hộ cận nghèo họ chỉ được nhận 250.000 đồng/tháng.
Do vậy, để đảm bảo đời sống cho các hộ này, thị xã An Nhơn sẽ tiếp tục hỗ trợ đối với hộ có người từ 80 tuổi trở lên với mức 1.000.000 đồng/tháng. Các hộ còn lại, địa phương vận động xã hội hóa để hỗ trợ với mức không đổi so với hiện nay.