Lấy sản phẩm du lịch biển, đảo làm điểm nhấn 

Những năm gần đây, du lịch Bình Định vẫn tiếp đà tăng trưởng ổn định cho đến khi dịch Covid - 19 bất ngờ bùng phát vào đầu năm 2020 và lây lan trên toàn cầu, khiến lĩnh vực này gánh chịu thiệt hại nặng nề. Nói để thấy rằng, trước khi xuất hiện dịch bệnh (từ năm 2016 - 2019), ngành "công nghiệp không khói" của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Theo thống kê của Sở Du lịch, năm 2019, đón 4,829 triệu lượt khách (tăng 18% so với năm 2018), tổng doanh thu ước đạt 6.000 tỷ đồng. Năm 2020, nếu không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch tỉnh hoàn toàn có thể đạt mục tiêu cụ thể "Phấn đấu đến năm 2020 đón 5,5 triệu lượt khách" đặt ra trong Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy. 

Đó cũng là giai đoạn mà Bình Định chú trọng phát triển nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao trên biển - trên cát, du lịch dã ngoại, du lịch văn hóa - tín ngưỡng… Đặc biệt, Các tour du lịch trải nghiệm làng nghề truyền thống, tham quan di tích lịch sử – văn hóa về phong trào Tây Sơn, hệ thống tháp Chăm… gắn với các chương trình trình diễn nghệ thuật tuồng, bài chòi dân gian, võ cổ truyền Bình Định vừa phục vụ du khách vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa – lịch sử đặc trưng “đất võ, trời văn” đã thu hút nhiều du khách đến với Bình Định. 

Với lợi thế về biển, đảo, tour du lịch lặn biển ngắm san hô, giải trí trên biển, vui chơi thưởng thức hải sản tuyến Quy Nhơn – Sông Cầu (Phú Yên), Quy Nhơn – Nhơn Lý – Cát Tiến, Nhơn Hải – Nhơn Lý – Cù Lao Xanh (Nhơn Châu)… được khai thác trở thành điểm nhấn phát triển mạnh du lịch biển.

Hướng tới phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo thành sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh, Sở Du lịch triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Lý Lương, Lý Hưng – xã Nhơn Lý và Bãi Xép – phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) đến năm 2025 với các hoạt động tham quan, tìm hiểu đời sống, nét văn hóa đặc trưng của người dân miền biển; du khách trải nghiệm làm ngư dân đánh lưới, câu cá, câu mực đêm trên biển… tạo sự hấp dẫn, mới mẻ.

{keywords}
Bình Định quyết đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020-2025

Sẵn sàng để ngành du lịch thích nghi bền vững trong bối cảnh hậu dịch bệnh

Trong hai năm qua, Bình Định cũng bị tác động mạnh từ khi dịch Covid - 19 bùng phát, do vậy trong năm 2020 vừa qua du lịch Bình Định đón lượng khách (nhất là khách quốc tế) lẫn doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.

Hiện, Sở Du lịch đang lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương để hoàn thiện Kế hoạch phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 – 2025, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Huỳnh Cao Nhất cho biết, trước đó, Sở đã khảo sát, xây dựng một số sản phẩm du lịch mới thông qua hoạt động đánh giá khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch MICE trong các khách sạn, khu, điểm du lịch trong tỉnh để xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp trong thời gian tới.

Cùng với đó, ngành Du lịch cũng có kế hoạch triển khai định hướng phát triển du lịch khu vực phía Bắc tỉnh tại 4 huyện, thị xã: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão, để xúc tiến, quảng bá, giới thiệu kết nối các tour du lịch.

Đồng thời triển khai kế hoạch thí điểm phát triển một số làng nghề truyền thống như làng nghề rượu Bàu Đá (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn), làng nghề nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát), làng nghề trồng bí đao xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ), làng nghề bún số 8, bánh tráng Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn) để quảng bá, giới thiệu đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách.

Đặc biệt, Bình Định sẽ xây dựng kế hoạch phát triển du lịch gắn với nông nghiệp; phát triển nguồn nhân lực du lịch Bình Định, đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… nhằm hướng tới phát triển du lịch bền vững, nâng cao thương hiệu và sức thu hút của du lịch Bình Định.

Nhật Minh