Tư liệu hóa, số hóa các tài liệu

Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) được xem là chứng nhân lịch sử, nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý giá liên quan đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn cùng người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nơi đây hiện quản lý, trưng bày 11.690 tư liệu, hiện vật liên quan lịch sử triều đại Tây Sơn bao gồm các bộ sưu tập tiền, kiếm, cồng chiêng, ấn, sắc phong...

Để tìm hiểu thông tin về những tư liệu lịch sử tại Bảo tàng Quang Trung, khách tham quan có thể tải app “Bảo tàng Quang Trung” thông qua mã QR Code có sẵn cho Android và iOS, mọi thông tin về bảo tàng đều đã được cập nhật trên app.

so hoa 1.jpg
Du khách tham quan bảo tàng Quang Trung. 

Ngoài ra, tại các khu trưng bày các tư liệu, hiện vật, đều được gắn mã QR Code mã hoá thông tin về các tư liệu này, khách tham quan chỉ cần dùng app Bảo tàng Quang Trung quét mã thì có thể xem đầy đủ thông tin các thông tin về những tư liệu, hiện vật này.

“Đối với khách lẻ đi tham quan như tôi thì việc quét mã QR như thế này rất là thuận tiện. Mọi thông tin về các tư liệu hiện vật ở đây đều đã có sẵn ở trên này, tôi có thể tìm hiểu sâu được các thông tin của những hiện vật mà không cần phải chờ hướng dẫn viên thuyết minh. Việc đó tạo sự thích thú cho tôi khi đi tham quan bảo tàng”, anh Nguyễn Công Vũ, một du khách đến từ TP.HCM chia sẻ.

Ông Đặng Công Lập, Phó trưởng Phòng Bảo tàng (Bảo tàng Quang Trung) cho biết, để thực hiện được điều này, Bảo tàng Quang Trung đã tiến hành số hoá hiện vật, tư liệu. Bảo tàng tiến hành sưu tầm, sắp xếp, lưu trữ, quét các tư liệu, hiện vật và lưu một cách hệ thống trên máy vi tính để có thể dễ dàng truy xuất thông tin, hình ảnh. Từ đó, giúp tạo ra một bản thông tin mô phỏng, tạo thuận lợi trong khâu quản lý và sử dụng hiện vật.

so hoa 2.jpg
Quét mã QR code tìm hiểu thông tin tư liệu tại Bảo tàng Quang Trung.  

Từ những thông tin số hoá lưu trữ này, cuối năm 2019, Bảo tàng Quang Trung thực hiện gắn mã QR Code cho các cụm tư liệu, hiện vật được trưng bày tại bảo tàng. Khách tham quan chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh tải app, quét mã QR Code thì có thể dễ dàng tìm hiểu mọi thông tin về tư liệu, hiện vật trưng bày tại đây.

Theo ông Lập, xu hướng của bảo tàng là tư liệu hóa, số hóa các tài liệu, hiện vật hiện có bằng công nghệ tương tác 3D và trưng bày ảo nhằm từng bước mô hình hoá 3D các tư liệu hiện vật thể khối, tiến tới xây dựng mô hình bảo tàng 3D ảo để du khách trực tiếp khai thác thông tin từ phần mềm. Bảo tàng Quang Trung hiện đang phối hợp với Viện ứng dụng khoa học, Đại học Quy Nhơn thực hiện phần mềm mềm này, sắp tới sẽ đưa vào ứng dụng.

“Việc số hoá các tư liệu, hiện vật giúp cho du khách có thể tìm hiểu thông tin sâu một cách dễ dàng. Bảo tàng cũng có thể dễ dàng quản lý, truy xuất thông tin một cách thuận tiện và nhanh chóng”, ông Lập cho hay

Số hóa di sản góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa

Không chỉ tại bảo tàng Quang Trung, ở Bảo tàng Bình Định, các di tích tháp Chăm đều đã được tỉnh gắn mã QR Code hỗ trợ thuyết minh bằng văn bản và clip. Khách du lịch chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR code này có thể đọc thông tin, xem hình ảnh và clip để nghe giới thiệu khái quát về Vương quốc Champa và tháp Chăm ở Bình Định. Thông tin được số hóa này cũng giới thiệu đầy đủ tượng thờ Linga - Yoni, về niên đại và phong cách kiến trúc, chức năng tôn giáo các tháp Chăm.

Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao tỉnh Bình Định cho biết, ngành Văn hoá - Thể thao tỉnh Bình Định luôn xác định, ứng dụng công nghệ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, gắn với phát triển du lịch hiện nay chính là “cây cầu” kết nối các thế hệ trong việc bảo tồn, lưu giữ di tích của cha ông gắn với phát triển kinh tế từ du lịch và giáo dục truyền thống cách mạng. Vì vậy, làm tốt nhiệm vụ số hóa di sản sẽ là góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa.

so hoa 3.jpg
Du khách quét mã QR code để đọc thông tin, xem hình ảnh và clip về Vương quốc Champa và tháp Chăm ở Bình Định.

Để triển khai hiệu quả vấn đề này thì cần phải có các yếu tố như làm tốt công tác chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị như kiểm kê, xếp hạng, tu bổ, tôn tạo di tích. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện tốt việc số hóa các tài liệu về di tích, tăng cường bổ sung các tư liệu, tài liệu có giá trị để thực hiện số hóa.

Hiện nay, ngành văn hóa - thể thao tỉnh Bình Định đã và đang bắt đầu thực hiện số hóa tài liệu và quy trình hoạt động chuyên môn. Trong đó, ngành văn hóa tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa; từng bước ứng dụng công nghệ thông tin số hóa thành nội dung hoạt động thường xuyên nhằm bảo quản các hồ sơ, tư liệu, bảo vật quốc gia, các di tích, di sản văn hóa…

Ngành văn hoá Bình Định cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý; thực hiện số hóa các hiện vật bảo tàng, dữ liệu thư viện, ghi hình tư liệu Tuồng, Bài chòi. Đồng thời, sử dụng ứng dụng hệ thống quản trị thư viện dùng chung Vietbiblio dành cho thư viện cấp huyện; cập nhật thông tin tư liệu hiện vật bảo tàng, di tích qua hệ thống phần mềm quản lý tư liệu hiện vật và quản lý di tích của Cục Di sản văn hoá.

Tuy nhiên, theo ông Chánh, quá trình thực hiện số hóa di tích, di sản trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện nay vẫn còn nhiều thách thức. Để tăng cường hoạt động số hóa di sản thì cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của hoạt động này. Cần tạo điều kiện hình thành môi trường thuận lợi cho hoạt động số hóa di sản. Các cơ sở đào tạo cần tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật viên…

“Để số hóa di sản đạt mục tiêu đã đề ra, quan trọng hơn cả là người làm công tác chuyên môn. Người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa phải được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số. Người nghiên cứu văn hóa phải trau dồi thêm kiến thức về công nghệ để đồng hành cùng công việc số hóa di sản. Từ đó ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhất đưa dữ liệu di sản văn hóa vào cuộc sống, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững đất nước nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng”, ông Chánh nói.

Tỉnh Bình Định hiện có 143 di tích được xếp hạng, gồm 2 di tích Quốc gia đặc biệt, 34 di tích Quốc gia, 107 di tích cấp tỉnh. Trong đó, nổi bật là hệ thống di tích văn hóa Champa và hệ thống di tích lịch sử triều đại Nhà Tây Sơn. Ngoài ra, Bình Định còn có 4 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và quốc tế, gồm: Võ cổ truyền, nghệ thuật Hát bội, nghệ thuật Bài chòi và Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn.

Diễm Phúc, Kiều Oanh, Tuyết Nhung, Thái Khang, Ngọc Minh, Diệu Bình