Tiếp tục duy trì các tiêu chí đã đạt chuẩn

Hoài Ân là huyện trung du, miền núi, có 14 xã và 1 thị trấn, trong đó có 5 xã gồm Bok Tới, ĐakMang, Ân Sơn, Ân Tường Đông và Ân Mỹ, là nơi sinh sống của đại đa số đồng bào dân tộc Bana, H’rê. 

Giai đoạn 2021-2025, huyện Hoài Ân có 11 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới, 8 thôn thuộc xã vùng đồng bào DTTS và miền núi thực hiện xây dựng nông thôn mới cấp thôn.

Với sự nổ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; đến nay, toàn huyện có 10/11 xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt tỷ lệ 90,9%); 2/10 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 20%); 2 thôn thuộc xã Đak Mang và Bok Tới đang triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới cấp thôn trong năm 2024. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau khi các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thiếu bền vững, nhất là các tiêu chí về môi trường, thu nhập, tổ chức sản xuất. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ đặt ra là cần tiếp tục duy trì các tiêu chí đã đạt chuẩn để chương trình xây dựng nông thôn mới đảm bảo hiệu quả và bền vững.

Theo đó, huyện yêu cầu định kỳ hàng năm, các xã xây dựng kế hoạch triển khai công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội, đảm bảo duy trì bền vững kết quả và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới sau đạt chuẩn của xã.

Về phía Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, các thôn, xã đã đạt nông thôn mới thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đồng thời tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí trên địa bàn huyện. 

Huyện cũng yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi tập trung chỉ đạo thực hiện, tạo bước chuyển biến căn bản trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới từ nay đến hết năm 2025. Ngoài ra, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới trên cùng một địa bàn.

W-NTM hoài ân bình định.jpg
Việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí như tổ chức sản xuất giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo... được huyện chú trọng sau khi các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Theo kế hoạch triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện phấn đấu đến cuối năm 2025 có 60% tổng số thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Cụ thể, xã Ân Sơn có 100% thôn đạt chuẩn (2/2 thôn); xã Đak Mang đạt 75% (3/4 thôn); xã Bok Tới đạt 60% (3/5 thôn); các thôn còn lại đạt trên 10 tiêu chí. 

Để đạt mục tiêu trên, huyện tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nhất là ở các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Xuân Phong, cho biết, huyện tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, trong đó, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Hoài Ân chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025”; đồng thời triển khai sâu rộng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng tình cao trong triển khai thực hiện chương trình.

Đồng thời, tổ chức phát động, tuyên truyền, phổ biến, vận động từ huyện đến cơ sở để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và cả hệ thống chính trị tham gia; thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay về xây dựng nông thôn mới trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã để phổ biến và nhân rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; giúp nâng cao nhận thức của nhân dân về xây dựng nông thôn mới, tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết các phong trào, tuyên dương, khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác thực hiện phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới.