Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định, dù có khó khăn ban đầu, tuy nhiên giai đoạn này nhờ có nhiều trợ lực từ các chương trình chuyên đề phục vụ Xây dựng nông thôn mới được triển khai xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương, như: Chương trình phát triển sản phẩm OCOP; chương trình phát triển du lịch nông thôn; chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới; chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn… thúc đẩy các địa phương về đích đúng kế hoạch”.

Đầu năm 2022, trong 113 xã trên địa bàn tỉnh Bình Định đăng ký xây dựng NTM có 2 nhóm xã; nhóm 1 có 83 xã, trong đó có 81 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 71,68%; 2 xã đã hoàn thành hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận năm 2021, chiếm 1,77%. Nhóm 2 có 30 xã, trong đó có 5 xã đã đạt từ 15-18 tiêu chí, chiếm 4,42%; 19 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, chiếm 16,81%; 6 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, chiếm 5,31%.

Trong năm 2022, toàn tỉnh Bình Định có 4 xã đăng ký về đích NTM  gồm xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh), xã Mỹ Thắng và Mỹ Ðức (huyện Phù Mỹ) và xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân). Ðến nay, cả 4 địa phương nói trên đang gấp rút triển khai thực hiện các tiêu chí, đặt mục tiêu về đích đúng kế hoạch.

Xây dựng nông thôn mới ở huyện An Lão

Theo Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Bình Định, cái khó của các địa phương trong thực hiện xây dựng NTM trong năm 2022 là hầu hết các xã đều có xuất phát điểm rất thấp, tiềm lực hạn chế. Thế những các tiêu chí để được công nhận xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 có nhiều điều chỉnh theo hướng nhiều hơn, nâng cao hơn. Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025 về cơ bản vẫn giữ 19 tiêu chí, nhưng tăng thêm 8 chỉ tiêu. Các chỉ tiêu tăng thêm này được chia nhỏ ra, cụ thể hơn và nâng cao hơn so với giai đoạn trước.

Cùng với đó, một số tiêu chí với các chỉ tiêu phân cấp cho Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh quy định cụ thể. Ví như giai đoạn 2016-2020, tiêu chí 13 là tổ chức sản xuất chỉ có 2 chỉ tiêu là xã có HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và xã có mô hình sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Thế nhưng trong giai đoạn 2021-2025, với tiêu chí 13 đã tăng thêm 3 chỉ tiêu và phân cấp cho UBND tỉnh quy định cụ thể gồm: Thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương; có kế hoạch và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường; có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả.

Xã Nhơn Hải được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2016. Trên cơ sở đó, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Nhơn Hải tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đầu tư mọi nguồn lực để xây dựng và tạo bộ mặt xã ngày càng phát triển. Nhơn Hải đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người là 56,21 triệu đồng/người/năm, tăng 28,91 triệu đồng so với năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từng năm, tỷ lệ trẻ em tới trường đảm bảo quy định; cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu của người dân. Trên địa bàn thành lập được 6 tổ hợp tác khai thác trên biển với 30 hội viên; thành lập HTX Dịch vụ Du lịch - Thủy sản Nhơn Hải và có sản phẩm nước rau câu được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao năm 2022. Với tiêu chí về môi trường, hiện nay UBND xã Nhơn Hải giao cho HTX thực hiện dịch vụ thu gom rác thải, tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các hộ dân thu gom và phân loại rác tại nguồn…

Qua kiểm tra thực tế và đối chiếu với hồ sơ báo cáo của UBND xã Nhơn Hải, về cơ bản Đoàn công tác ghi nhận và đánh giá cao kết quả xã đã thực hiện được. Với các tiêu chí còn thiếu chỉ tiêu, thiếu hồ sơ minh chứng, Đoàn công tác đề nghị UBND xã Nhơn Hải tiếp tục hoàn thiện bổ sung đầy đủ để tiến hành công tác thẩm định, đánh giá và công nhận kết quả thực hiện.

Còn tại xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, việc triển khai xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022 trong thời ngắn, gấp rút nên nhiều tiêu chí (tiêu chí 13.4 ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực, 13.6 xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực được cấp mã số vùng trồng; tiêu chí 14.3 về tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe, 14.4 tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử…) rất lúng túng.

Đến nay, qua hướng dẫn của các đơn vị, xã Nhơn Lộc từng bước hoàn thiện hồ sơ minh chứng, đồng thời tiếp tục rà soát lại để xây dựng hồ sơ trình các cấp xem xét.

Theo kế hoạch, Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới tỉnh cùng với chính quyền các địa phương nỗ lực để hoàn thành các tiêu chí, dự kiến trình Ban chỉ đạo thẩm định vào tháng 1/2023, nhằm công nhận các xã nông thôn mới nâng cao.

Yên Minh