Trong thời gian qua, Công an tỉnh Bình Dương đã hoàn chỉnh thu thập, cập nhật 2.352.258 thông tin công dân (thường trú: 1.229.189 và tạm trú: 1.123.069) vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và liên tục bổ sung, cập nhật thường xuyên hàng ngày.

Công an các cấp đã thường xuyên thực hiện công tác làm sạch dữ liệu bảo đảm nguồn dữ liệu luôn "đúng, đủ, sạch, sống".

Đối với Dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, toàn tỉnh đã thu nhận hồ sơ căn cước công dân và được cấp 1.438.198 thẻ; đã chuyển phát 1.424.539 thẻ cho công dân, đạt 99,05%, số còn lại đang tiếp tục thực hiện việc chuyển phát; đã tích hợp các loại giấy tờ vào tài khoản định danh điện tử cho 343.747 công dân.

 Bình Dương đã triển khai 24/25 dịch vụ công.

Hiện nay, tỉnh Bình Dương đã triển khai 24/25 dịch vụ công (trong đó, Công an tỉnh đã triển khai 11/11 dịch vụ và các sở, ban, ngành đã triển khai 13/14 loại thủ tục hành chính) theo Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06/CP).

Theo đó, nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến gồm 12 nhiệm vụ, hiện tại đã thực hiện 04 nhiệm vụ và đang triển khai thực hiện 02 nhiệm vụ cuối năm 2022, còn lại 06 nhiệm vụ sẽ thực hiện trong năm 2023.

Đối với nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã triển khai thiết bị đọc QRcode trên thẻ căn cước công dân phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm soát ra vào trụ sở, xác thực khách hàng tại quầy giao dịch trên nền tảng thẻ căn cước công dân.

Đến nay, công tác thanh toán dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và thanh toán tại quầy đã có kết quả nhất định với các hình thức thanh toán trực tuyến thông qua các kênh, ứng dụng như VNPT Money, Payment Platform Quốc gia, QRCode Momo…

Đối với nhóm phục vụ phát triển công dân số, đã cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân sử dụng các dịch vụ, tiện ích số do Chính phủ, bộ, ngành xác thực và bảo đảm. Đồng thời ứng dụng căn cước công dân vào các dịch vụ khám, chữa bệnh, giao dịch ngân hàng…

Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai thí điểm ứng dụng Công dân số Bình Dương nhằm phục vụ công dân thực hiện các nhu cầu về đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Trong thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, toàn tỉnh đã có 1.213.791 người có thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng căn cước công dân để đi khám, chữa bệnh; 173/173 (100%) cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp với 77.803/104.304 lượt tra cứu thành công phục vụ khám, chữa bệnh.

Xác định nhiệm vụ cho từng giai đoạn

Việc triển khai hoàn thành, khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích cả trước mắt và lâu dài.

Do đó, để đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo Đề án 06/CP, Công an tỉnh xác định thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn.

Cụ thể, tiếp tục triển khai và hoàn thành Cao điểm "90 ngày, đêm" thực hiện 02 dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Đề án 06/CP. Trong đó, đẩy mạnh công tác thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử cùng với thu nhận hồ sơ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Thường xuyên cập nhật, bổ sung dữ liệu dân cư trên hệ thống theo quy trình, quy định. Tăng cường công tác phúc tra, kiểm tra dữ liệu dân cư có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm chính xác "đúng, đủ, sạch, sống". Đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong quá trình vận hành, khai thác hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc sử dụng các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và của tỉnh đang cung cấp để hình thành nhận thức về lợi ích mà dịch vụ công mang lại. Từ đó nâng cao sự tin tưởng, hoàn thiện các dịch vụ để phục vụ người dân hiệu quả hơn.

Các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh phối hợp kiểm tra an ninh, an toàn thiết bị, đường truyền thực hiện chia sẻ, kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cấp tài khoản cho các sở, ngành sử dụng các dịch vụ xác thực thông tin công dân.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa. Theo dõi, đôn đốc thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và các dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06/CP.

Đồng thời, tham mưu tổ chức chuyên sâu về công tác tập huấn, đào tạo các kiến thức về chuyển đổi số cho Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ báo cáo viên để nắm bắt định hướng nghiệp vụ trong quá trình áp dụng, hướng dẫn về công tác chuyển đổi số.

Hạ Vy