Hiện toàn tỉnh có hơn 34.000 DN, trong số này chỉ có 374 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Như vậy, tính bình quân một DN CNHT phải “phục vụ” cho gần 100 DN khác. Thực trạng này đã khiến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh gặp không ít khó khăn.
Công nghiệp hỗ trợ của Bình Dương đang có điều kiện phát triển mạnh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất vi linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Punch Industry Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước III, TX.Bến Cát). Ảnh: THOẠI PHƯƠNG |
Theo Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Dương sẽ có 33 khu công KCN với diện tích 14.790 ha. Đến nay, Bình Dương đã phát triển được 29 KCN và 12 cụm công nghiệp để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Hiện, Bình Dương đã thu hút được gần 2.300 doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực CNHT. Trong đó ngành cơ khí 710 DN, dệt may có 442 DN, da giày 172 DN và chế biến gỗ 953 DN...
Bình Dương đang rất nỗ lực đưa CNHT phát triển có hiệu quả, tạo điều kiện thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn tại tỉnh, qua đó góp phần để ngành công nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững. Đã có nhiều dự án về CNHT từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai tại tỉnh. Điển hình trong số này có thể kể đến Dự án Nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ôtô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD của Tập đoàn KOLON; dự án của Công ty CP Tetra Park Bình Dương (Singapore) chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm…
Mặc dù được nhìn nhận nằm trong top 5 các địa phương có ngành CNHT phát triển mạnh của cả nước như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai và Bắc Ninh, nhưng để CNHT phát triển bền vững, Bình Dương cần xây dựng chính sách thuế theo hướng miễn thuế nhập khẩu các loại máy móc thiết bị phục vụ CNHT trong thời hạn từ 4 - 5 năm đầu, tính từ khi doanh nghiệp đi vào sản xuất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; miễn hoặc giảm đến mức thấp nhất tiền thuê đất, chấp nhận giảm thu ngân sách đối với các DN CNHT, coi đó là khoản nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai.
Bình Dương cũng cần hình thành một quỹ hỗ trợ CNHT với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước và của chính những DN sản xuất, lắp ráp sản phẩm có liên quan đến các ngành CNHT, coi đó là trách nhiệm hỗ trợ, tạo dựng ban đầu của Nhà nước đối với ngành CNHT.
Phát triển CNHT được xác định là xu hướng tất yếu, không chỉ phục vụ sản xuất công nghiệp của Bình Dương, trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó tạo đà cho công nghiệp Bình Dương tăng tốc, phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Thu Nga