Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo cáo từ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Bình Dương năm 2022 đạt 65,13 điểm (giảm 4,48 điểm), xếp thứ 36/63 tỉnh, thành trong cả nước, tức giảm đến 30 bậc so với năm 2021. Chỉ có 1 chỉ số tăng điểm (chiếm 10% trọng số) và 9 chỉ số giảm điểm (chiếm 90% trọng số). 

Trong đó, chỉ số gia nhập thị trường đạt 6,32 điểm (giảm 0,06 điểm) thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Một số chỉ tiêu giảm điểm như: Thời gian đăng ký doanh nghiệp (trung vị) giảm 0,5 ngày, xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố; Thời gian thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (trung vị) tăng 4 ngày, xếp hạng 60/63 tỉnh, thành.

Bởi vậy, tỉnh Bình Dương xác định nhiệm vụ cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI là mục tiêu quan trọng, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế bền vững. Từ đó, Bình Dương quyết tâm triển khai các giải pháp để đưa Chỉ số PCI năm 2023 trở lại top 10 cả nước.

binhduong.png

Bình Dương xác định chỉ số PCI là thước đo để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh cho cộng đồng DN, tạo tiền đề để Bình Dương phát triển bền vững. 

Từ thực tế này, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương xác định chỉ số PCI là thước đo để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh cho cộng đồng DN, tạo tiền đề để Bình Dương phát triển bền vững. 

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh Bình Dương cũng đã thông qua kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, Kế hoạch tập trung vào 2 mục tiêu: Đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển kinh doanh, tạo điều kiện thu hút nhiều DN đến với Bình Dương; Tăng cường phối hợp, nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong quản lý điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ hướng đến sự hài lòng của người dân và DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại với DN từ đó sẽ có những chính sách rõ ràng, nhất quán tháo gỡ khó khăn; Chú trọng tới vai trò, tiếng nói của cộng đồng, hiệp hội DN trong quá trình hoạch định chính sách, giám sát thực thi chính sách của tỉnh.

Đồng thời, tỉnh quan tâm đến tính công bằng, bình đẳng trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ, cũng như cung cấp thông tin, giải quyết các vướng mắc, khó khăn đối với các DN; Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư bằng nhiều phương thức linh hoạt, tuyên truyền quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư của tỉnh qua kênh đối ngoại, thông qua các diễn đàn, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức xúc tiến đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam.

Kế hoạch cũng nêu rõ những giải pháp mang tính cấp bách và lâu dài để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, tỉnh tập trung xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện; tạo chuyển biến mạnh mẽ từ đội ngũ cán bộ, công chức, đơn giản hoá thủ tục, cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian đăng ký thành lập, thay đổi, bổ sung trong đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư; Rà soát và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; Sửa đổi, bổ sung, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật nói chung, các quy định liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh nói riêng; Thành lập tổ hướng dẫn DN tại Trung tâm Hành chính công tỉnh để kịp thời hướng dẫn, xử lý vướng mắc hồ sơ cho DN; Tập trung nguồn lực đảm bảo xử lý hồ sơ TTHC đúng thời gian, trình tự, thủ tục theo quy định.

Để giải bài toán trong quản lý, giải quyết thủ tục đất đai, UBND tỉnh Bình Dương giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp rà soát, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai; đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp trong quản lý, tạo quỹ đất sạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số về đất đai nhằm nhanh chóng đưa vào khai thác, phục vụ tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai; thường xuyên cập nhật nhằm đảm bảo tính chính xác, đồng bộ, mở rộng chia sẻ thông tin, giúp người dân và DN dễ dàng trong tiếp cận, khai thác sử dụng. Tăng cường cải cách TTHC về đất đai, trong đó ưu tiên ứng dụng thành quả chuyển đổi số, nhằm đảm bảo rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ theo quy định…

Đánh giá về chỉ số PCI của Bình Dương, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI, cũng là người nhiều năm theo dõi những hoạt động liên quan đến chỉ số PCI của tỉnh cho rằng, PCI của tỉnh chưa tương xứng nếu so với vị thế, tiềm năng và quyết tâm của các cấp chính quyền tỉnh.

Do đó, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc Bình Dương quyết tâm cải thiện PCI thể hiện rõ nhận thức và hành động một cách chủ động, cầu thị nhằm hỗ trợ DN kịp thời, thiết thực. Song Bình Dương là địa bàn có số lượng DN lớn nên khối lượng công việc nhiều hơn các địa phương khác. Vì thế, tỉnh cần chú trọng vào ứng dụng công nghệ thông tin triệt để nhằm giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh chóng.

Cửu Long