Bình Dương là tỉnh có vị trí trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam. Thành tựu đạt được sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, Bình Dương là tỉnh đi tiên phong trong phát triển hạ tầng, đô thị công nghiệp. Với tổng diện tích hơn 12.662 ha, trong đó có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 10.962 ha đưa Bình Dương trở thành một tỉnh công nghiệp trọng điểm tại Việt Nam

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bình Dương được xếp hạng là địa bàn hấp dẫn đầu tư đứng thứ 2 tại Việt Nam (sau Thành phố Hồ Chí Minh) thu hút được 4.041 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 39,4 tỷ USD, trong đó các nhà đầu tư Pháp có 36 dự án đang hoạt động với số vốn đầu tư đăng ký là 121,9 triệu USD.

Với mục tiêu phát triển đô thị công nghiệp, từ năm 2012 tỉnh Bình Dương đã lập và phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Bình Dương. Các đồ án quy hoạch đã triển khai đầu tư xây dựng nhanh chóng, để ngày hôm nay tỉnh Bình Dương có hệ thống các tuyến đường giao thông rộng lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội; các công trình xử lý môi trường tập trung đảm bảo các nguồn thải sản xuất được xử lý triệt để; có hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại, tạo nền tảng cho phát triển đô thị công nghiệp trong thời gian qua.

Khu công nghiệp Đồng An

Theo quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, Bình Dương ưu tiên đầu tư 18 dự án khu công nghiệp, với diện tích đất trên 6.573 ha. Đến năm 2030, tổng diện tích đất công nghiệp dự kiến cần để thực hiện các dự án phát triển khu công nghiệp là 16.609,37 ha, tăng 1.619,37 ha. Tổng số khu công nghiệp đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh là 46 với tổng diện tích 24.338,70 ha.

Cùng với cơ sở hạ tầng hiện đại, cơ chế chính sách năng động và chính quyền các cấp đồng hành cùng doanh nghiệp, các nhà đầu tư phát triển công nghiệp tập trung về Bình Dương, xem Bình Dương là địa chỉ uy tín trên cả nước và quốc tế về phát triển công nghiệp.

Với kinh nghiệm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hiện tỉnh Bình Dương đang tiếp tục quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng xanh hóa, phát triển kinh tế tuần hoàn, thu hút các ngành công nghệ cao. Tỉnh chủ động tạo quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư, trong đó gắn kết các khu, cụm công nghiệp chặt chẽ với hệ thống giao thông, hạ tầng, đường cao tốc, đường sắt và đường sông thuận lợi việc kết nối theo yêu cầu của các nhà đầu tư.

Đặc biệt, với yêu cầu mới, thực hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các khu, cụm công nghiệp sắp tới phải gắn với các khu công nghiệp xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, đồng thời, thực hiện theo yêu cầu chung chuyển đổi với việc đảm bảo môi trường.

Tỉnh Bình Dương đã có phương án, kế hoạch và giải pháp trong việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp đáp ứng được các yêu cầu này, nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn đến từ các quốc gia phát triển. Trong giai đoạn tới, công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh sẽ chuyển biến theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và sẽ tạo sức hút mới. Do đó, các khu công nghiệ hiện hữu và các khu công nghiệp mới cần có các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức thu hút để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng.

Cửu Long