Là tỉnh phát triển năng động bậc nhất Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đã trở thành một tỉnh có cơ sở hạ tầng vững chắc, tỷ lệ đô thị hóa hơn 82%, toàn tỉnh có hơn 60.000 doanh nghiệp, hơn 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2022, với tổng vốn khoảng 40 tỉ đô-la.
Nhìn lại sau 25 năm thành lập và phát triển, Bình Dương đã liên tục đột phá, từ vùng nông nghiệp vươn lên thành tỉnh công nghiệp, rồi phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Trong giai đoạn mới, Bình Dương mong muốn trở thành Vùng ĐMST, do vậy việc ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất là một trong những vấn đề chính yếu mà tỉnh rất quan tâm.
Để tạo ra bước đột phá trong thu hút các DN sản xuất công nghệ cao, phát triển công nghiệp theo hệ sinh thái kiểu mới, công nghiệp xanh, Bình Dương đã triển khai nhiều chính sách, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Theo TS. Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Bình Dương: Trong suốt quá trình công nghiệp hóa, Bình Dương đặc biệt sớm lồng ghép các mục tiêu thúc đẩy khoa học và công nghệ (KHCN) gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương đưa KHCN dần trở thành động lực tăng trưởng quan trọng trong các chiến lược chung, tạo tiền đề thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, và phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0.
Quá trình thúc đẩy KHCN được triển khai theo lộ trình và có trọng tâm, trọng điểm sao cho phù hợp với tình hình thực tế, phát huy lợi thế công nghiệp, dịch vụ, kết cấu hạ tầng đã có, đồng thời chú trọng đáp ứng nhu cầu thị trường mà doanh nghiệp là trung tâm.
Xuất phát từ tầm nhìn nhà nước kiến tạo, tỉnh quyết liệt ứng dụng mô hình Ba Nhà học tập từ Eindhoven - Hà Lan, thúc đẩy sự hợp tác giữa (1) nhà nước, (2) nhà doanh nghiệp và (3) nhà trường-viện, để tạo điều kiện, khuyến khích được các tổ chức trên toàn xã hội cùng đầu tư phát triển.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2040, tỉnh sẽ có nhiều cơ hội để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở phát triển khoa học, công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.
Với các quy hoạch chiến lược lớn, Bình Dương đẩy mạnh đầu tư, thu hút nguồn lực từ xã hội để tổ chức nghiên cứu một cách rất bài bản, khoa học, phù hợp xu thế và nhu cầu mới, ví dụ như đề án Quy hoạch tổng thể - tích hợp tỉnh Bình Dương đến năm 2030 - tầm nhìn 2050 đang được các viện nghiên cứu của Trung ương và các nhà tư vấn quốc tế tiến hành, đi liền với đó là đề tài quy hoạch logistics thông minh, thực hiện bởi Viện nghiên cứu Logistics Việt Nam và các doanh nghiệp.
Tỉnh cũng được Hội đồng Lý luận Trung ương chọn để tổng kết mô hình phát triển trong công cuộc Đổi mới của đất nước, và tầm nhìn định hướng đến năm 2050. Chỉ tính riêng trong năm 2022, có gần 30 đề tài, dự án ứng dụng KHCN, phối hợp viện trường, doanh nghiệp đang được triển khai để giải quyết các vấn đề thực tiễn, bức thiết của tỉnh, từ an ninh quốc phòng, vấn đề xã hội, văn hóa, tôn giáo đến phát triển kinh tế, nông nghiệp, công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số…
Cũng theo TS Nguyễn Việt Long, không chỉ sử dụng ngân sách, Bình Dương rất chú trọng khuyến khích các doanh nghiệp cùng đầu tư nghiên cứu - phát triển, mở ra các quỹ KHCN lên đến hàng trăm tỷ đồng. Các doanh nghiệp chủ động triển khai nhiều đề tài, dự án, phối hợp viện trường nghiên cứu giải pháp cải tiến sản xuất kinh doanh cho chính doanh nghiệp, đóng góp cho xã hội, thậm chí có cơ hội được chính quyền công nhận kết quả nghiên cứu khoa học, làm nền tảng cho doanh nghiệp phát triển xa hơn. Năm 2022, tỉnh đã tăng vượt bậc thêm 3 doanh nghiệp KHCN.
Trong tương lai ngành KHCN sẽ phát huy hơn nữa mô hình hợp tác Ba Nhà, gắn kết các bên, xây dựng các chương trình khoa học quy mô để giải quyết những vấn đề mang tính đột phá, ảnh hưởng sâu rộng. Tỉnh đang phát triển các chương trình hợp tác lớn với các cơ quan khoa học hàng đầu, tiêu biểu là Hội đồng Lý luận Trung ương, Đại học Quốc Gia TP.Hồ Chí Minh.
Cửu Long